THPT Chuy�n Luong Van T?y
Đang tải dữ liệu...
Chuyên san Học trò

KÍ ỨC MÙA THU

  29/10/2017 07:51:27 PM 

(Tưởng nhớ nhà báo Đinh Hữu Dư - Cựu học sinh chuyên Văn K46, Trường THPT Chuyên Lương Văn Tụy)

Mùa thu năm ấy, nắng vàng hanh hao, lũ chúng tôi – non nớt, mang theo bao ước mơ, kỳ vọng trong tay nải bước vào cánh cổng trường chuyên Lương Văn Tụy. Như một giấc mơ diệu kỳ!

Rồi thời gian thấm thoắt trôi đưa, chúng tôi vào đại học, đi làm, rồi lập gia đình. Cuộc sống hối hả, chúng tôi nghe tin nhau trên Facebook, Zalo... Ba chục cô gái lớp chuyên Văn K46 sau 10 năm gặp lại, giờ đã thành những bà mẹ của gia đình.

Trời cũng vừa độ thu, nắng đã hanh hao, những cuộc điện thoại làm chúng tôi lặng người: “Mày ơi, Dư lớp mình bị lũ cuốn trôi khi đang tác nghiệp ở Yên Bái”... Những đứa con gái lớp Văn hay khóc nhè không thể ngăn giọt nước mắt mặn chát. Chúng tôi ngóng tin Nó, lòng ngổn ngang...

Trong ký ức năm xưa, Nó là đứa con trai có nụ cười hiền, ấm áp. Bên ô cửa cũ, Nó ngồi đó, trầm lặng hướng về khoảng trời cao vợi. Ánh mắt ấy mang bao niềm hi vọng nhưng vẫn đọng những giọt buồn như chiều thu thăm thẳm.

Nó bên chúng tôi qua những năm tháng học trò chẳng hề thay đổi: vóc dáng nhỏ bé, đôi dép sờn cũ, chiếc áo giản dị, mái tóc chẳng cầu kỳ nhưng đậm chất nghệ sỹ. Nó chân tình và thẳng thắn; Nó bất chấp gió mưa, sớm chiều, lao đến mỗi khi biết bạn gặp khó khăn. Nó sẽ lôi theo được vài đứa con gái mơ mộng, bắt bạn ngồi sau cái xe đạp cà tàng và nghêu ngao khắp các con phố “bí mật” mà Nó mới khám phá. Thành phố Ninh Bình chẳng có nơi nào không có dấu chân Nó và những người bạn. Triền đê năm ấy trải đầy hoa tím, Nó ấp ủ những rung động đầu đời với cô bạn thân thương cho đến tận bây giờ, dù ở miền Nam xa xôi hay Yên Bái nhiều cách trở, Nó vẫn đau đáu nhớ về. Đi qua những năm tháng dài, với Nó, có phần bảo thủ và cố chấp, chân lý không bao giờ thay đổi.

Trong tâm thức của những đứa học trò vô tư ngày ấy, chúng tôi chỉ biết Nó nghèo. Chàng trai nhỏ cắp chiếc cặp sờn đi về sớm hôm với ông bà, chưa hề kể về cha mẹ một lần, chẳng bao giờ than thân, trách phận nửa lời. Chỉ thấy nó càng lớn, càng nghị lực, càng trầm tư và khắc khổ. Cũng vài lần chúng tôi đến chơi nhà Nó – cái hầm thân thương với tấm phản ghép và cái bàn nhỏ góc nhà để Nó đèn sách. Đó là tất cả tài sản Nó có. Tôi nhớ, có đứa hỏi: “Bố mẹ mày đâu?” Nó trả lời: “Bố mẹ tao làm ăn trên Nho Quan”, rồi lặng lẽ nhìn chúng tôi vô tư khám phá “thế giới ngầm” của Nó. Ước gì lúc ấy, chúng tôi đủ nhạy cảm, đủ lớn khôn để nhìn thấy nét buồn thoáng trong ánh mắt đó, để ngày hôm nay, khi tai họa ập xuống, những góc khuất trong cảnh ngộ riêng của Nó dần được hé lộ, chúng tôi càng vỡ òa trong nỗi ân hận và xót xa. Trái tim chúng tôi, những đứa bạn gái mà Nó từng che chở cảm thấy nhói đau vì sự vô tâm của chính mình.

Hoàn cảnh riêng nhiều khó khăn nhưng Nó là người luôn nghĩ cho người khác, sống vì người khác, lặng lẽ, bền bỉ vượt lên số phận. Những ngày 20/10 và mùng 8/3, sợ các bạn nữ trong lớp thiệt thòi, Nó lại loay hoay tìm cách. Khi là bông hoa để trong ngăn bàn, lúc lại là cánh thiệp tự làm có chiếc lá úa đặc sắc, hay đơn giản chỉ là nắm hoa cỏ may. Nó kiên nhẫn nghe lũ con gái nói với nụ cười hiền, đưa chúng tôi đến bờ sông lộng gió: “Mày hét lên đi, mày khóc đi, nỗi buồn sẽ bay theo gió…” Xong, chúng tôi cùng Nó đi ăn chè “dưa góp”. Cuộc đời lúc ấy, với chúng tôi, thật đơn giản như chính cách nghĩ, cách sống của Nó vậy.

Kì nghỉ hè, mấy đứa chúng tôi giấu gia đình, lén rủ nhau đi làm thêm, nhặt lông vịt, phụ việc cho quán ăn như kiếm tìm một trải nghiệm để thấy mình đã lớn. Chúng tôi chưa hiểu rằng Nó đi làm để có tiền đỡ đần cho ông bà. Tôi nhấp nhổm, kêu ca, rồi bỏ cuộc vì không chịu được vất vả. Nó thấy vậy chỉ lặng lẽ chở tôi về, lại tìm cách xoay sở, làm đủ mọi việc... Đôi vai rộng dường như muốn gánh vác cả cuộc đời này.

Cũng có lúc, Nó trăn trở làm thơ, nghêu ngao đọc rồi lại nhoẻn cười. Nụ cười mang đầy ước mộng của cái tuổi ẩm ương, nhưng sao thấy Nó già. Nó lùa tay vào mái tóc, hất sang bên, nghiêng nghiêng chăm chú. Màu đời mãi trong...

Hoa phượng rực đỏ góc trời, ve ngân nga khúc nhạc, cả lũ vùi đầu vào sách vở chuẩn bị cho những kỳ thi quan trọng trong cuộc đời. Rồi ngày đó cũng đến, Nó và chúng tôi một lần nữa tay nải, hân hoan vào đại học mang theo cả một trời mơ ước. Hà Nội vào thu, mùi hoa sữa làm nao lòng những bước chân không mỏi. Tuổi thanh xuân cùng chúng tôi len lỏi khắp những con phố xa.

Thời gian cuốn đi như một cơn gió, ngoảnh lại, mỗi đứa một phương trời. Chúng tôi cứ vô tư nghĩ rằng Nó nghèo nhưng giàu nghị lực, chăm chỉ và bản lĩnh xông pha. Nó sẽ được đền đáp. Chúng tôi lần lượt yên bề gia thất, Nó vẫn lẻ bóng một mình. Cuộc sống gia đình, công việc khiến chúng tôi ít dần liên lạc, thi thoảng trên Facebook lại tếu táo: “Mày bao giờ cưới?” Nó lại cười hiền: “Yêu ai đâu mà cưới, con mày ngoan không?”... Rồi chúng tôi hay tin Nó được tuyển vào thông tấn xã, và Nó đi Yên Bái khi Hà Nội vào thu, heo may nồng nàn hoa sữa, chẳng một cuộc chia tay.

Bẵng một thời gian dài không gặp và bây giờ…

Chúng tôi cùng gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cả những người chưa từng gặp khắc khoải ngóng tin từ Yên Bái, chờ đợi điều kỳ diệu mang Nó trở về từ dòng nước Ngòi Thia. Rồi tất cả đón Nó trở về vào một sáng mùa thu hanh hao nắng gió trong những tiếng thổn thức xé lòng, đau nhói. Mẹ già mòn mỏi, các em nhỏ Trạm Tấu vẫn chờ, Hà Nội hẹn ngày trở lại... Mùa thu của tuổi 29, có những thứ mới chỉ bắt đầu và vẫn còn rất nhiều điều dang dở... nhưng Nó đã thực sự sống trọn vẹn với cuộc đời, với mọi người bằng cả tấm chân tình thầm lặng, đã gieo vào cuộc sống những hạt mầm của tình yêu thương, niềm lạc quan và niềm tin vào vô vàn những điều tốt đẹp.

Tháng mười, mùa thu vẫn đang còn ở lại, bao kỉ niệm lại ùa về, cay trong khóe mắt. Nụ cười, ánh mắt của Nó - chàng trai đáng yêu của lớp Văn K46- sẽ vẫn tươi nguyên trong kí ức mỗi chúng tôi. Mãi mãi… Hành trình đang còn dang dở, ước nguyện mang sách cho các em nhỏ vùng cao sẽ có những người ở lại viết tiếp. An yên trong thế giới của bạn cùng mùa thu vĩnh hằng, Dư nhé!

(Tập thể cựu học sinh chuyên Văn K46)