Sinh thời, chủ tịch Hồ
Chí Minh đã từng nói: “Một năm khởi đầu từ
mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Hòa
chung vào không khí tưng bừng, phấn khởi của Tuổi trẻ trong cả nước, thực hiện
nhiệm vụ chiến lược năm học 2016-2017, hướng ứng các hoạt động của tháng Thanh
niên, để vun đắp lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đáp ứng yêu cầu đổi mới
giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, đồng thời bồi dưỡng chuyên môn
nghiệp vụ cho giáo viên, được sự nhất trí và chỉ đạo sát sao của Sở Giáo dục và
Đào tạo, Ban giám hiệu nhà trường; tổ Sử - Địa trường THPT chuyên Lương Văn Tụy
đã phối hợp với Đoàn trường tổ chức chuyên đề liên môn Lịch sử - Địa lí “Tuổi trẻ Lương Văn Tụy với biển đảo quê hương”
với nhiều nội dung sôi nổi, hấp dẫn.
Với mục đích hướng tới các
hoạt động học tập trải nghiệm sáng tạo, mang đến một sân chơi lành mạnh, có ý
nghĩa, đồng thời trang bị các kiến thức, hiểu biết vững vàng trong việc giải
quyết các tình huống thực tiễn cho học sinh, tổ Sử - Địa đã tổ chức cho học
sinh trong toàn trường thi viết về biển đảo với chủ đề “Tôi yêu biển đảo quê hương”, qua đó bồi đắp thêm cho các em tình
yêu với quê hương đất nước, để các em thấy ý nghĩa lịch sử và thiêng liêng của
biển đảo với an ninh Tổ Quốc. Bên cạnh đó, chuyên đề còn phối kết hợp với bảo
tàng Hải quân tổ chức trưng bày, triển lãm, giới thiệu sách về lịch sử, địa lí,
chiếu phim tư liệu, nói chuyện về vấn đề chủ quyền biển đảo… Đặc biệt Hội thi “Tuổi
trẻ Lương Văn Tụy với biến đảo quê
hương” được tổ chức sáng ngày 13/3/2017 tại trường
THPT Chuyên Lương Văn Tụy đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều quan khách
cùng các thầy cô giáo và toàn thể học sinh nhà trường.
Bằng tài năng, trí tuệ, sự sáng tạo của tuổi trẻ, qua 04 phần thi của 3
đội chơi (Hoàng Sa, Trường Sa, Vân Đồn) đã mang đến cho khán giả những hiểu biết,
những tiếng cười, những giây phút ý nghĩa và những cảm xúc khó phai. Mở đầu hội
thi là phần thi chào hỏi của các đội, thông qua những tiểu phẩm hài hước, cuộc
sống của những người lính biển dần hiện ra, có lúc chiến đấu anh dũng dữ dội
như sóng biển khơi xa, có lúc lại chan hòa, ấm áp tình đồng đội, đồng chí.
Nhưng hơn hết đó là lòng kiên gan, ý chí bất khuất, vững bền, quyết tâm giữ vững
chủ quyền biển đảo quê hương.
Phần
thi Hiểu biết được thiết kế thành các gói câu hỏi, mỗi gói câu hỏi gồm 3 câu hỏi
với nội dung: “Biển đảo Việt Nam”; “Bảo vệ biển đảo”; “Tuyên truyền về biển đảo”.
Phần thi này đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng về kiến thức lịch sử, địa lí, đồng
thời thể hiện được thái độ tích cực của học sinh trước vấn đề chủ quyền biển đảo
thiêng liêng của dân tộc. Với những câu trả lời xuất sắc, 3 đội thi đã đem lại
nhiều ấn tượng cho giám khảo và các vị quan khách.
Điểm nhấn của hội thi
là ở phần thi tài năng. Các đội chơi thể hiện tinh thần đồng đội hết mình và cống
hiến cho khán giả những phần trình diễn đẹp mắt. Mỗi đội mang đến một sắc màu đặc
trưng cho chuyên đề “Tuổi trẻ Lương Văn Tụy
với biển đảo quê hương”, nhưng tựu chung lại đều thể hiện lòng yêu nước,
lòng tự hào dân tộc và khát khao vươn khơi bám biển để bảo vệ vùng biển và thềm
lục địa Việt Nam.
Chuyên đề “Tuổi trẻ Lương Văn Tụy với biển đảo quê
hương” kết thúc bằng phần thi hùng biện. Phần thi này vừa thể hiện hiểu biết,
vừa thể hiện bản lĩnh chiếm lĩnh sân khấu của học sinh. Mỗi đội hùng biện với một
chủ đề riêng nhưng đều nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm và ước mong xây dựng
đất nước đẹp giàu trong tương lai để sánh vai với các cường quốc năm châu.
Ba bài hùng biện gây
thao thức và dậy sóng trong lòng khán giả, dường như có sức mạnh khơi gợi trong
tiềm thức ý chí phấn đấu, lòng yêu nước và lòng tự tôn dân tộc. Phần thi Hùng
biện của các đội kết thúc nhưng dư âm của nó như những khúc hát còn ngân dài,
vang mãi đến thế hệ hôm nay và mai sau. Những vần thơ của nhà thơ Nguyễn Việt
Chiến cứ vang mãi trong lòng khán giả:
“Nếu Tổ quốc
đang bão giông từ biển
Có một phần máu
thịt ở Hoàng Sa.
Ngàn năm trước con
theo cha xuống biển,
Mẹ lên rừng
thương nhớ mãi Trường Sa”.
Chuyên đề liên môn Lịch
sử - Địa lí “Tuổi trẻ Lương Văn Tụy với
biển đảo quê hương” là một hình thức tuyên truyền có giá trị giáo dục hữu
ích về vấn đề chủ quyền biển đảo. Đây cũng là sân chơi bổ ích, lí thú để học
sinh bày tỏ suy nghĩ về trách nhiệm của tuổi trẻ đối với dân tộc, với chủ quyền
thiêng liêng của đất nước. Chuyên đề kết thúc với những cảm xúc và ấn tượng khó
phai trong lòng những người tham dự. Có thể nói sự thành công của chuyên đề
chính là sự phối kết hợp nhuần nhuyễn giữa Hội đồng giáo dục nhà trường (đặc biệt
là các giáo viên trong tổ bộ môn Sử - Địa) với Ban đại diện cha mẹ học sinh và
hơn 1000 đoàn viên thanh niên trường THPT chuyên Lương Văn Tụy cùng toàn thể cộng
đồng. Chính sức mạnh tập thể đã tạo nên một tầm vóc mới, một diện mạo mới trong
hoạt động dạy và học ở trường THPT chuyên Lương Văn Tụy hiện nay.
Tin bài: Trương Ngọc
Oanh- Trịnh Thu Hằng (Giáo viên tổ Sử- Địa)
|