THPT Chuy�n Luong Van T?y
Đang tải dữ liệu...
Lịch sử

Tuần 28: TƯ LIỆU VỀ CUỘC KHỦNG HOẢNG TÊN LỬA CUBA NĂM 1962

  01/03/2015 10:54:50 PM 


Lời giới thiệu

Có thể coi cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 là một trong những thời điểm đánh dấu sự leo thang nguy hiểm của cuộc chạy đua vũ trang giữa hai siêu cường Liên Xô và Mĩ trong cuộc Chiến tranh lạnh. Chỉ hơn một thập niên sau Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh hạt nhân đã hiện hữu rõ ràng, khiến cho cả loài người phải lo lắng và bất an nhiều hơn bao giờ hết. Sau 6 thập niên nổ ra cuộc khủng hoảng, nhiều tư liệu lưu trữ của cả Mĩ và Liên Xô/ Liên bang Nga đã được công bố, hé mở những bí mật về cách hành xử của các bên liên quan đến cuộc khủng hoảng, mà trước tiên là Liên Xô và Mĩ.

Bên cạnh các văn bản gốc, chúng tôi cho rằng hồi ký hay các bài viết của giới Ngoại giao thế giới, nhất là những người chứng kiến cuộc khủng hoảng này cung cấp, cũng là một nguồn tư liệu quí báu giúp cho hậu thế hiểu rõ hơn về quá khứ, thấy được bài học lịch sử của quá khứ để điều chỉnh hành động của mỗi quốc gia, mỗi chủ thể trong đời sống quan hệ quốc tế không chỉ ở thời điểm hiện tại mà cả trong tương lai. Mà mục đích cuối cùng, cao nhất là nhằm gìn giữ ngôi nhà hòa bình thế giới, để vĩnh viễn không bao giờ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân – một cuộc chiến tranh không có người chiến thắng và kẻ chiến bại.

Kể từ khi được thành lập năm 1945, tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh - Liên Hợp Quốc (LHQ) đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình bảo vệ hòa bình, an ninh thế giới, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh - thông thường hay hạt nhân - đồng thời đã tham gia giải quyết nhiều vấn đề chung liên quan đến sự tồn vong của cả nhân loại. Đặc biệt trong thời gian tồn tại cuộc Chiến tranh lạnh (1947-1989), sứ mệnh và vai trò của LHQ đã đứng trước nhiều thách thức, trong đó có cuộc khủng hoảng hạt nhân đầu tiên trong lịch sử loài người ở Cuba năm 1962. Trong bối cảnh quan hệ quốc tế đang diễn biến phức tạp như hiện nay, khi mà môi trường an ninh trên thế giới đang có nhiều thay đổi, đồng thời vấn đề kiểm soát việc phổ biến vũ khí hạt nhân cũng đang thu hút sự quan tâm của cả thế giới thì có thể thấy rõ hơn tầm quan trọng của LHQ trong sứ mệnh giữ gìn hòa bình, an ninh thế giới. Dù trong quá khứ, trong hoạt động của mình, LHQ không tránh được sự thao túng của các cường quốc, song có thể thấy, từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, LHQ vẫn khẳng định được tầm quan trọng của mình trong đời sống quan hệ quốc tế, vẫn là diễn đàn mà bất kỳ quốc gia nào, dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, có lịch sử lâu đời hay mới thành lập, đều có quyền nói lên quyền lợi của mình, trong đó, có quyền được hưởng hòa bình.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với độc giả bài viết của Mircea Malita – nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Rumani kiêm Trưởng phái đoàn Rumani tại Liên Hợp Quốc năm 1962. Ông là người chứng kiến những diễn biến của cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Với cách nhìn của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, sau 6 thập niên nổ ra cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai siêu cường, ông đã cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin bổ ích. Bài viết có nhan đề “Criza rachetelor” (Cuộc khủng hoảng tên lửa) đăng trên tạp chí “Lettre internationale”, của Institutul Cultural Român (Viện Văn hóa Rumani), số 83 năm 2012, từ trang 3 đến trang 10.

“Bối cảnh

Vào tháng 9 năm 1962, tôi tham gia Phiên họp thứ 17 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York. Đối với tôi, đây là lần thứ 7 tôi tham gia một kỳ họp như vậy với các tư cách khác nhau, 5 lần với tư cách là Cố vấn của Phái đoàn Thường trực của Rumani tại LHQ, kể từ khi nó được thành lập năm 1956 cho đến năm 1960 - khi có cuộc gặp nổi tiếng với sự tham gia của nhiều nguyên thủ trong đó có Khơrútxốp (Nikita Khrushov – Tỏng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô – Đ.T.T chú thích), Castro (nhà lãnh đạo Cuba – Đ.T.T chú thích) và Gheorghiu-Dej (nhà lãnh đạo Rumani – Đ.T.T chú thích); năm 1961 tôi lại tham gia với tư cách là Cục trưởng Cục Quan hệ Văn hóa của Bộ Ngoại giao.

Tôi cảm thấy rất thân thuộc với môi trường LHQ, với các vấn đề tranh luận, với việc lặp lại các phiên họp, từ ngày này sang ngày khác. Về vai trò mà tôi đảm nhận năm 1962, điều tôi bận tâm nhiều là việc lần đầu tiên tôi đảm nhiệm một sứ mệnh quan trọng. Tôi được bổ nhiệm vào mùa xuân năm 1962 làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, phụ trách những vấn đề liên quan đến các tổ chức quốc tế, mà trước tiên là LHQ. Khi đó tôi mới 35 tuổi, tất cả các kinh nghiệm ngoại giao của tôi đều trải nghiệm ở LHQ - nơi mà tôi trân trọng như một “viện hàn lâm tối cao”. Bộ trưởng Ngoại giao, Corneliu Mănescu, thông thường vẫn lãnh đạo Phái doàn Rumani tại cuộc họp thường niên của Đại Hội đồng LHQ, đã bị bận đột xuất do phải tháp tùng Gheorghiu-Dej (Tổng bí thư Đảng Cộng sản Rumani – Đ.T.T chú thích) và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Ion Gh. Maurer trong chuyến thăm chính thức Indonesia, Ấn Độ và Miến Điện (từ ngày 3 đến ngày 24 tháng 10 năm 1962). Vì thế, tôi phải gánh vác trọng trách lãnh đạo Phái đoàn Rumani. Thêm vào đó, vào năm 1962, Rumani lại giữ vị trí Phó Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ theo chế độ luân phiên. Một trong những nhiệm vụ nặng nề mà tôi phải gánh vác đó là Chủ tọa phiên họp toàn thể của Đại Hội đồng LHQ, trở thành thành viên cốt cán của nhóm tổ chức các hoạt động của Đại Hội đồng, mà tất cả mọi vấn đề đều được bộ phận thư ký lập kế hoạch rất chi tiết. Tôi chưa nhìn thấy vật cản nào xuất hiện phía chân trời, lịch làm việc chỉ mang tính thường nhật mà thôi.

Chính vào thời điểm đó bùng nổ, giống như một màn kịch, cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba.

Vào năm 1961, Mĩ đã tìm cách lật đổ Castro thông qua một cuộc tấn công của một lực lượng không chính thức, kết thúc bằng trận đánh tại Baya de los Cochinos (Bay of Pigs/Vịnh con Lợn), nơi đội quân Cuba lưu vong bị đánh bại thảm hại. Cuộc phiên lưu này là một dấu hiệu cho thấy sự không khoan nhượng của Mĩ đối với một chế độ không thân thiện ở Caribê, cách bờ biển nước Mĩ 30 dặm. Các vụ xìcăngđan tiếp tục diễn ra, các hoạt động phá hoại được đẩy mạnh, một cuộc tấn công mới được chuẩn bị. Nhìn thấy rõ sự đe dọa, Cuba đã thực hiện các biện pháp phòng thủ và gửi một văn bản phản đối, được đăng kí trong Chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an LHQ. Một tháng trước đó, đại diện Rumani trong Hội đồng Bảo an, Mihai Haseganu, đã bảo vệ Cuba trong khuôn khổ của Hội đồng Bảo an và cáo buộc ý định xâm lược Cuba của Mĩ; báo chí của Rumani cũng có chung giọng điệu, thể hiện sự đoàn kết rộng rãi của Thế giới Thứ Ba với một thành viên của đại gia đình đang bị đe dọa. Chỉ có các nước Mĩ Latinh, do bị ràng buộc bởi một quyết nghị cũ của Tổ chức Các nước Châu Mĩ về việc cự tuyệt chủ nghĩa cộng sản ở châu lục (1954), là xa lánh Cuba, khi nước này tỏ rõ vị trí thân Liên Xô và ủng hộ các quan niệm kinh tế-xã hội của Liên Xô.

Như vậy, cuộc khủng hoảng Cuba không hẳn là một sự bất ngờ, mà nó đã được báo trước. Chỉ có điều, trong chương trình nghị sự quốc tế khi đó nổi lên những dấu hiệu tiềm ẩn của các cuộc xung đột tiềm năng khác. Cuộc khủng hoảng Beclin chưa được giải quyết. Và Khơrútxốp, lo lắng về việc dòng người tìm cách chạy sang phương Tây, về những ảnh hưởng của (nhóm) Tây Béclin đối với Cộng hòa Dân chủ Đức, đã quyết định tìm cách củng cố vị thế của Liên Xô, tuyên bố rằng đã tìm thấy điểm yếu của phương Tây và cho rằng cần phải hành động mạnh mẽ. Cuộc khủng hoảng Beclin khi đó là vấn đề thời sự so với Cuba trong mối quan hệ giữa hai liên minh: NATO và VACXAVA. Cuba không ở vị trí cận kề một cuộc khủng hoảng.

Cả hai cuộc khủng hoảng đều nằm trong khuôn khổ của một hệ thống quan hệ quốc tế diễn ra trong giai đoạn tồn tại của cuộc Chiến tranh lạnh giữa hai siêu cường và các đồng minh của họ. Chính sách của Mĩ không có sự thay đổi, là duy trì thái độ cứng rắn trước khối Đông và Liên Xô, củng cố vị thế bình đẳng so với các cường quốc khác, theo đuổi mục tiêu đã được xác định từ khi cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Cả hai bên đều tìm cách tạo ra cho nhau sự căng thẳng và khiến cho đối phương phải lo lắng, trong một cuộc chay đua công khai, luôn có sự cách biệt giữa hai bên. Tuy vậy, vẫn tồn tại một khoảng không gian hẹp, nơi mà cả hai cường quốc hiểu và phối hợp với nhau. Đã diễn ra việc xác lập một cơ chế mới, có ý nghĩa nền móng của hệ thống hai cực. Cả hai cường quốc đều giám sát sự hoạt động hoàn hảo của các lí thuyết cân bằng lực lượng, ví dụ như sự cân bằng hạt nhân. Lo sợ của họ bị thắt chặt, cả hai tìm cách ngăn cản việc trả đũa các đòn đánh của nhau, có thể dẫn đến sự mất mát không thể chấp nhận được và không thể bù đắp được đối với cả hai nhân vật chính. Việc duy trì sự cân bằng hạt nhân đòi hỏi sự nỗ lực đặc biệt, các cuộc thương lượng thường xuyên, việc soạn thảo những luật chơi chung, sự kiểm tra thường kỳ các thỏa thuận đã đạt được, sự tuân thủ và áp dụng chúng của cả hai bên. Thực trạng của lĩnh vực này là rất khác biệt trong cách biểu hiện của cuộc Chiến tranh lạnh, trong nội dung của các tờ báo, nội dung các bài diễn thuyết trên diễn đàn của LHQ, đặc biệt là khi nó mang màu sắc của cuộc chiến tranh ý thức hệ, thông qua việc cả hai bên đều thông báo sự thất bại và mất mát của nhau.

Mùa xuân năm 1962, tại Giơnevơ (Geneva) tôi đã tham gia các phiên họp của Ủy ban Giải trừ quân bị với sự tham gia của 18 quốc gia. Tôi đã tận mắt chứng kiến một trong những công xưởng nửa chính thức - nơi các chuyên gia cùng nhau làm việc để duy trì sự cân bằng (hạt nhân). Hai lần một tuần diễn ra các phiên họp, nơi diễn giả hai bên trình bày quan điểm của mình. Hầu như không có sự thảo luận, sự trao đổi ý kiến cũng rất hạn chế. Tuy nhiên, lại có nhiều cuộc tiếp súc không chính thức, cho thấy tính nghiêm túc và bí mật của cả Liên Xô và Mĩ. Không chỉ có những cuộc nói chuyện của các nhân viên thừa lệnh mà còn có nhiều cuộc đối thoại dựa trên cơ sở các lý thuyết do đội ngũ chuyên gia về nguy cơ, về các trò chơi, về các hình mẫu mang tính hệ thống đối với các quyết định và các chiến lược đề ra, ủng hộ. Cuốn sách của Schelling, xuất bản năm 1960, “Chiến lược xung đột” có mặt trên giá sách của nhiều người.Tác giả này cho rằng, trong điều kiện làm nản lòng lẫn nhau, điều quan trọng không phải là báo cáo về số lượng mà là thiết lập sự cân bằng. Điều này nói thì dễ, song nó chỉ được bảo đảm khi không có bất cứ một bên nào có thể chắc chắn được rằng, có thể đánh đòn đầu tiên, phá hủy được khả năng đánh trả của đối phương. Điều này lí giải tại sao tại Giơnevơ (Geneva) luôn rung động nỗi sợ hãi liên quan đến sự cân bằng lực lượng bị phá vỡ do lỗi kĩ thuật, do sự sai lầm trong tính toán. Họ (tức Liên Xô và Mĩ – Đ.T.T chú thích) đã cố gắng luật hóa các biện pháp nhằm ngăn chặn các đòn đánh đầu tiên. Các kết luận của họ được kiểm tra bởi rất nhiều kênh khác nhau giữa các nhà khoa học, các kênh cá nhân, chính thức và bí mật. Giơnevơ khác biệt với New York. Ở Giơnevơ, các đối thủ trở thành đối tác của kế hoạch chung về duy trì sự cân bằng lực lượng, điều này đưa đến sự sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau.

Khơrútxốp là người đã khởi xướng một loạt các sự kiện được biết đến với tên gọi Cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba. Như một tiếng sét đánh trên bầu trời, ngày 22 tháng 10 năm 1962, tin Liên Xô lắp đặt tên lửa hành trình có thể mang đầu đạn hạt nhân ở Cuba được loan báo, Tổng thống Kennedy trong bài phát biểu dành cho thính giả khắp thế giới vào buổi tối ngày hôm đó, đã đòi Liên Xô phải tháo dỡ các tên lửa. Nếu không, các hiểm họa sẽ rất lớn, kể cả khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Người Mĩ phát hiện ra các tên lửa, Matxcơva thì phủ định sự tồn tại của bất kỳ thứ vũ khí tiến công nào. Theo ánh sáng Giơnevơ và của sự cân bằng (hạt nhân) thì tôi cho rằng việc lắp đặt các tên lửa là một việc không thể hiểu được, một sự xáo động tình hình trầm trọng thông qua một hành động bất ngờ. Cuộc đối khẩu giữa hai cường quốc đã diễn ra trong nhiều ngày theo kiểu: Hãy rút các tên lửa về - Không có tên lửa.

Tất cả mọi người, đặc biệt là người Mĩ được biết rằng, Khơrútxốp đã phải đối mặt với bao khó khăn để giải quyết vấn đề Béclin (Berlin). Từ đây, một giả thuyết cũng được đưa ra là Khơrútxốp tạo ra cuộc khủng hoảng ở Caribê để buộc Mĩ phải nhân nhượng trong vấn đề Béclin. Tôi cho rằng không thể sao lãng mối quan hệ với Trung Quốc khi đó và cả bây giờ. Khơrútxốp là người cầm ngọn cờ của một học thuyết, người lãnh đạo cao nhất của phong trào Macxít-Lêninít. Nhưng với người khổng lồ Trung Quốc, một thành viên của gia đình, khi đó đang cáo buộc Liên Xô phản bội lại lý tưởng, từ bỏ tinh thần cách mạng và không ủng hộ những người đang bị áp bức bởi chủ nghĩa đế quốc.

Trong trường hợp Cuba, Trung Quốc có thể tìm cách chứng minh lời buộc tội của mình là đúng, cho thấy Trung Quốc là một nước có tinh thần cách mạng kiên định, ủng hộ những nước bị đe dọa. Sự sống còn của chủ nghĩa cộng sản được tung vào trò chơi, uy tín của Liên Xô trong Thế giới thứ Ba, nơi đang xuất hiện nhiều nhà cách mạng cánh tả, cần được cứu vớt. Thực tiễn đã giúp cho tôi có thể đi đến kết luận rằng, trong chính trị quốc tế, không tồn tại một hành động hay một quyết định nào chỉ dựa trên một lí do duy nhất, mà tồn tại hàng tá lí do nhảy múa trong mớ hỗn độn, cho đến khi kết tụ lại trong một hành động duy nhất. Đối với các nhà phân tích, một tá lí do là một con số tốt, trong bất cứ trường hợp nào cũng không thể ít hơn bảy. Một số lí do không dễ gì nhận thấy được trong trường hợp của Khơrútxốp với tư cách là người nắm giữ các quyết định như, các mối liên hệ với đảng của ông ta như thế nào? với quân đội, với các thành viên của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô ra sao? Điểm lại những gì có thể thấy được, không có ý định tuyên bố một cuộc xung đột hạt nhân. Chính điều này khiến cho tôi tin tưởng rằng, tất cả sẽ kết thúc một cách tốt đẹp và mọi việc rồi sẽ lắng dịu. Những nhà ngoại giao khác thì ở trong tình trạng hoảng loạn. Gia đình của họ rời khỏi New York, nơi được cho là một mục tiêu tấn công đặc biệt.

Nhân dịp Khơrútxốp tham dự cuộc họp của Đại hội đồng LHQ năm 1960, tôi có dịp được tìm hiểu kỹ hơn về ông. Theo quan sát của tôi, đó là một con người hay có những hành động bất ngờ, sẵn sàng trả lời các cuộc phỏng vấn tại bancông, một người yêu thích các hiệu ứng, một người thích phô trương, song không thích đối đầu. Vì thế, đến năm 1962, tôi đã cố gắng lý giải hiểu được cơ chế suy nghĩ của ông. Theo tôi, ông là người có thể khởi xướng một cuộc trình diễn, song không muốn một cuộc chiến tranh thế giới. Ông thích những hành động gây sự chú ý. Vì thế, khi đó tôi đã cân nhắc mức độ của sự nguy hiểm, tôi đã không hoảng loạn và nuôi hy vọng mọi việc sẽ được giải quyết một cách ổn thỏa. Điều này không có nghĩa là tôi không ý thức được hết mức độ nghiêm trọng của tình hình. Tình hình khi đó ở giới hạn nguy hiểm khi lực lượng hai bên mặt đối mặt, và không ai biết trước được nếu có thể xảy ra một vụ tai nạn, một sự sai sót hay một tính toán sai lầm với những hậu quả chết người. Tôi thừa nhận một điều rằng, trong cách nhìn của tôi khi đó, dựa trên những gì tôi biết, chỉ là việc nói về mấy quả tên lửa. Bây giờ tôi đã biết chính xác hơn con số cụ thể: kế hoạch của Bộ trưởng Liên Xô Malinovski gồm ít nhất 5 trung đoàn tên lửa hạt nhân tầm trung và 2 trung đoàn tên lửa hành trình, các tên lửa đó mang đầu đạn hạt nhân – loại chiến thuật, 2 kiloton, cùng với 50.000 binh lính Xô viết. Nếu thực sự đây là một cuộc trình diễn lực lượng thì thực sự là một cuộc trình diễn khổng lồ (Người Mĩ đã xem nhẹ số vũ khí đã được lắp đặt ở Cuba hay đang lắp đặt. Arthur Schesinger đã tiết lộ rằng, tại Hội thảo năm 1992 ở La Habana, nơi đã bàn về cuộc khủng hoảng, Robert McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ năm 1962, thực sự bị sốc khi nghe về số lượng vũ khí mà một tướng Xô viết tiết lộ).

Tải tài liệu gốc tại: Đây