THPT Chuy�n Luong Van T?y
Đang tải dữ liệu...
Lịch sử

Tuần 29: YẾU TỐ NGOẠI LAI TRONG CUỘC CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI VIỆT – TRUNG 1979

  16/03/2015 10:03:19 PM 
1- Yếu tố Liên Xô
Là hai nước XHCN cùng chung ý thức hệ và tuyên bố ủng hộ cũng như tuân thủ nguyên tắc quan hệ kiểu mới trên nền tảng đoàn kết quốc tế, song quan hệ giữa Trung Quốc – Liên Xô sớm xuất hiện những rạn nứt, những bất đồng về quan điểm, đường lối, về lợi ích quốc gia. Đến thập niên 50-60 (XX), quan hệ Xô – Trung xấu đi một cách nghiêm trọng, giữa hai nước diễn ra hàng loạt sự kiện bất ổn khiến nhiều người đã tiên đoán về một cuộc chiến tranh không tránh khỏi. Quan hệ Xô – Trung mang tính chất thù địch rõ rệt và sau một loạt bất đồng về tư tưởng, xung đột về lợi ích quốc gia, quan hệ Trung – Xô rơi chạm đáy. Ở vào bối cảnh quan hệ với Liên Xô rơi vào “điểm chết”, coi Liên Xô là “kẻ thù số một” còn nguy hiểm hơn cả Mỹ, Trung Quốc không ngừng tập hợp lực lượng, tuyên truyền, vận động chống Liên Xô, vận động Việt Nam ngả theo Trung Quốc, phục vụ mục tiêu mở rộng vùng ảnh hưởng.
Trong cuộc chạy đua gia tăng vị thế ở khu vực châu Á và Đông Nam Á, Liên Xô –Trung Quốc cạnh tranh quyết liệt. Mối quan tâm của Trung Quốc tập trung vào hai điểm lớn: 1-Kiềm chế Việt Nam, giữ Việt Nam trong quỹ đạo của mình; 2- Ngăn chặn Liên Xô, phá thế gọng kìm bao vây Trung Quốc.
Về phía Liên Xô, quan tâm của Liên Xô đối với Đông Nam Á gia tăng từ năm 1965 và trở nên mạnh mẽ hơn sau khi Mỹ rút khỏi Việt Nam (1973). Chủ trương mở rộng sự hiện diện trên thế giới, Liên Xô đã tiếp cận được hàng loạt các căn cứ quan trọng về địa chính trị -quân sự tại các khu vực trọng yếu (cảng Berbera, Somali, 1975, cảng Massaua, Etiopia, 1977 và cảng Aden, Nam Yemen…). Các vị trí chiến lược này cho phép Liên Xô kiểm soát những tuyến đường hàng hải huyết mạch, tạo điều kiện cân bằng sức mạnh hải quân với Mỹ trên phạm vi toàn cầu. Việc Liên Xô đặt chân vào cảng Cam ranh thông qua Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt – Xô (11-1978), một mặt, củng cố, mở rộng phạm vi hoạt động của Liên Xô; mặt khác, khiến quan hệ Việt – Trung trượt dài thêm một bước. Trung Quốc phản ứng quyết liệt trước nguy cơ bị bao vây ở cả hai phía, đẩy mạnh các động thái chính trị – ngoại giao, tranh thủcác nước ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, và tranh thủ Nhật Bản, chuẩn bị từng bước “dạy cho Việt Nam một bài học”. Đặng Tiểu Bình lý giải một trong ba lý do lớn để “trận này nhất định phải đánh” như sau: “Hành động này không đơn thuần là chỉ để bảo vệ biên giới, nó liên quan đến tình hình Đông Dương, cục diện Đông Nam Á, nói rộng hơn là liên quan đến cục diện thế giới” và “nếu chúng ta không đánh trả thì Việt Nam sẽ ngày càng trở nên kiêu ngạo,thúc đẩy phương Bắc lấn tới” trong khi “Liên Xô đã có mặt ở Afghanistan, Iran và tiếp đến là ở Việt Nam, gia tăng mối đe dọa đối với chúng ta từ phía Đông, do vậy, chúng ta cần phải đánh Việt Nam”[2]. Trung Quốc phân tích:“Đông Dương là một trạm trung chuyển nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nếu Liên Xô có chỗ đứng chân ở Đông Dương, thì phía Tây sẽ có thể ra vào eo biển Malacca, qua Ấn Độ Dương đến thẳng Biển Đỏ; ở phía Đông có thể tung hoành trên Thái Bình Dương, ở phía Nam có thể đi đến Đại Tây Dương. Như thế,Liên Xô không những sẽ kiểm soát được tuyến đường hàng hải chuyên chở dầu lửa quan trọng Tây Âu, Mỹ, Nhật, đồng thời còn hình thành một vòng bao vây hình cung chiến lược”[3]. Như vậy, ám ảnh bởi sự cạnh tranh và những nguy cơ từ sự trỗi dậy của Liên Xô, Trung Quốc đã lồng vào quyết định đánh Việt Nam mục tiêu kiềm chế và dằn mặt Liên Xô.
Quyết định đánh Việt Nam, Trung Quốc tiến hành một cuộc chiến với quy mô hạn chế do không thể không tính đến phản ứng của Liên Xô. Dù có phần lo ngại về khả năng Liên Xô có thể can thiệp để bảo vệ Việt Nam, song Trung Quốc đã dự đoán phản ứng của Liên Xô đối với cuộc tấn công này sẽ không mạnh mẽ, nếu có chăng chỉ là những cuộc quấy rối nhỏ mà Trung Quốc dư sức khống chế. Bắc Kinh nhận định: “Liên Xô nhiều nhất chỉ có thể phát động cuộc tấn công với mười sư đoàn và Trung Quốc không cần thiết phải điều động lực lượng quân đội từ các khu vực khác đến cũng đã có thể ngăn chặn”[4]. Đặng Tiểu Bình xác định Liên Xô “sẽ không tổ chức cuộc tác chiến với quy mô lớn, nhưng nếu họ có hành động thực sự thì chúng tôi cũng sớm có chuẩn bị thỏa đáng”[5]. Sở dĩ Trung Quốc tự tin trong các tính toán và hành động là bởi: Một là, Trung Quốc đã “rào dậu” kỹ càng về ngoại giao với hai đối tác quan trọng là Mỹ, Nhật trên cơ sở liên minh “chống chủ nghĩa bá quyền”; hai là, chuẩn bị dư luận thế giới về một cuộc “phản kích tự vệ” đuổi quân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc; ba là, tiếp tục những cuộc hội đàm thường lệ với Liên Xô về vấn đề biên giới, tỏ rõ cho Liên Xô biết cuộc tấn công Việt Nam là một vấn đề riêng biệt, không ảnh hưởng đến việc cải thiện quan hệ giữa hai nước; bốn là,nắm bắt nhu cầu của Liên Xô trong “đàm phán hạn chế vũ khí hạt nhân lần thứ hai” với Mỹ – nhu cầu ấy không cho phép Liên Xô mạo hiểm phá vỡ mối quan hệ Mỹ – Xô. Tóm lại, Trung Quốc tin rằng “những hoạt động ngoại giao dồn dập, có kết quả đã tăng thêm đáng kể uy tín của Trung Quốc đối với các nước và đã làm cho Trung Quốc có thể giành được cảm tình, sự ủng hộ thêm của nhiều nước”[6], Liên Xô tất yếu không thể không cân nhắc tình hình này.
Dù đã tính toán chặt chẽ như vậy, song trước khi bắt đầu cuộc chiến tranh “trừng phạt Việt Nam”, Trung Quốc đã dời hơn 30 vạn dân thường ra khỏi khu vực biên giới Trung – Xô và tất cả mặt trận phía biên giới với Liên Xô đều nằm trong trạng thái báo động cấp cao nhất[7].
2- Yếu tố Campuchia
Bất chấp liên minh đoàn kết chiến đấukhá chặt chẽ trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, sau khi giải phóng Campuchia, vừa vào Phnôm Pênh, tập đoàn Pôn Pốt đã đưa ra một Chỉ thị tám điểm, trong đó có một nội dung về trục xuất Việt kiều và tăng cường quân đội ở biên giới với Việt Nam. Chỉ trong vòng ba tháng, gần 200.000 Việt kiều ở Campuchia bị cưỡng bách hồi hương; đồng thời, tập đoàn Pôn Pốt – Iêngxaritiến hành các cuộc xâm lấn, đánh chiếm biên giới Việt Nam liên tục trong thời gian dài với cường độ gia tăng. Ngày 21-12-1978, Polpot sử dụng 10 sư đoàn, mở chiến dịch tiến công trên toàn tuyến biên giới phía Nam Việt Nam. Ngày 23-12-1978, Quân đội nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc phản công chiến lược. Đáp ứng yêu cầu của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, ngày 26-12-1978, Quân đội nhân dân Việt Nam đưa quân vào Campuchia, xóa bỏ chế độ diệt chủng, giải phóng toàn bộ đất nước Campuchia.
Nhận xétvề sự kiện này,nhà nghiên cứu Ramesh Thakur viết:“Bắc Kinh đã nhìn biến cố đó không phải với tư cách giải phóng nhân dân Campuchia, mà nhìn nó như việc hoàn tất sự theo đuổi của Việt Nam từ năm 1930 về một Liên bang Đông Dương dưới sự thống trị của Hà Nội”[8]. Ngày 16-1-1979, trong một cuộc họp kín mang tính nội bộ, Cảnh Tiêu, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc giải thích việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia như sau: “Ngay từ trước ngày giải phóng miền Nam Việt Nam, Việt Nam đã có những ý đồ xấu xa. Việt Nam luôn muốn xâm chiếm Campuchia, kéo Campuchia vào cái gọi là “Liên minh Đông Dương”, biến nó thành bàn đạp và căn cứ của đế quốc xã hội trong mưu đồ thực hiện kế hoạch chiến lược toàn cầu và bành trướng xuống Đông Nam Á”[9].Cảnh Tiêu tuyên bố: “Việt Nam sẽ thấy rằng cái mà chúng giành được hiện nay không phải là một chiến thắng mà là bắt đầu của một thất bại”[10].
Coi Campuchia là một mắt xích quan trọng phục vụ việc tạo vùng ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á, đóng vai trò trung tâm “trong chiến lược của Trung Quốc, nhằm bao vây ảnh hưởng của Việt Nam”[11], Trung Quốc đã không thể bình an ngồi nhìn “đồng chí Pol Pot” cũng như chính phủ Campuchia dân chủ đi đến chỗ diệt vong và càngkhông thể cam lòng trước sự “cả gan” của Việt Nam dám đưa quân vào Campuchia, khiến 3 vạn cố vấn Trung Quốc phải lội rừng sang Thái Lan và khoản tiền viện trợ vừa chuyển cho Campuchia trị giá 226 triệu nhân dân tệ (tương đương 1,5 tỷ USD) bị “rơi” vào thinh không.
Nhằm cô lập Việt Nam, Bắc Kinh đã lập tức nhấn mạnh luận điểm “tham vọng của Hà Nội không chỉ sẽ đe dọa đến lợi ích của Trung Quốc ở bán đảo Đông Dương mà còn đe dọa đến cả địa vị của các quốc gia không cộng sản trong ASEAN”[12]. Bắc Kinh cường điệu sự nguy hiểm của Việt Nam đối với Thái Lan và Malaysia. Ngày 13-12-1978, Lý Tiên Niệm cảnh cáo Việt Nam rằng, “sự nhẫn nại của Trung Quốc là có giới hạn và Trung Quốc không phải là một quốc gia dễ chịu để bắt nạt”[13].Ngày 30-12-1978, Nhân dân nhật báo nhắc nhở các quốc gia ASEAN cần đề cao cảnh giác với Cuba phương Đông và chủ nghĩa bá quyền Liên Xô, phân tích ý đồ Liên Xô lợi dụng Việt Nam làm tay chân thâu tóm Đông Dương, kiểm soát Đông Nam Á, châu Á – Thái Bình Dương, đẩy Mỹ và các lực lượng thân Mỹ ra khỏi khu vực này. Tờ báo khẳng định: “Chính vì có sự đồng lõa của Việt Nam nên Liên Xô mới có thể chen chân vào châu Á, lợi dụng người châu Á đánh người châu Á, thực hiện những bước đi xâm lược bành trướng của họ. Vai trò của Việt Nam trong chiến lược châu Á của Liên Xô còn to lớn hơn cả vai trò Cuba ở châu Phi”[14].
Ít ngày trước chuyến xuất ngoại của Đặng Tiểu Bình sang Mỹ, Nhân dân nhật báocó bài xã luận, trong đó viết: “Đế quốc xã hội Liên Xô mượn tay người để hoành hành thiên hạ thực là mộng tưởng của kẻ ngu si, họ không thể ngăn cản nổi trào lưu lịch sửchống bá quyền của nhân dân thế giới, lịch sử sẽ cho kẻ xâm lược sự trừng phạt thích đáng”[15]. Tiếp đó, Nhân dân nhật báo kêu gọi thế giới “hãy đoàn kết lại, cùng ra sức giữ gìn hòa bình và ổn định ở châu Á và thế giới!”[16]. Có vẻ như thông điệp cảnh báo đã được phát đi. Vấn đề còn lại chỉ còn là ngày giờ và thể thức hiện thực hóa thông điệp ấy mà thôi.

Tải tài liệu gốc tại:
Đây