NHÀ BÁO TRẺ ĐINH HỮU DƯ VÀ CHƯƠNG TRÌNH
“VIẾT TIẾP HÀNH TRÌNH ĐINH HỮU DƯ”
Tháng 10 đã sắp
qua nhưng chắc hẳn mỗi chúng ta đều không thể quên được trận lũ lịch sử cách đây
nửa tháng đã gây nên những thiệt hại nặng nề về vật chất và để lại những vết thương
tinh thần vô cùng to lớn đối với nhân dân các tỉnh Yên Bái, Hoà Bình, Thanh Hoá
… trong đó có quê hương Ninh Bình của chúng ta.
Và khi theo dõi
tin tức trên các phương tiện truyền thông, các thầy cô cùng các em cũng đã biết
rằng, trong trận lũ lịch sử ấy, ngày 11/10/2017, nhà báo trẻ Đinh Hữu Dư của
TTXVN đã bị lũ cuốn trôi khi đang tác nghiệp ở cầu Ngòi Thia, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.
Nhà báo Đinh Hữu
Dư sinh năm 1988 tại phường Tân Thành, TP Ninh Bình, là cựu học sinh chuyên Văn
K46 của trường THPT chuyên Lương Văn Tụy. Trong kí ức của tôi và các thầy cô, các
bạn cùng lớp với Dư thì đó là một cậu học trò hiền lành, ít nói, chững chạc, già
dặn trước tuổi nhưng rất giàu nghị lực. Gia đình Dư rất nghèo, từ khi em còn nhỏ,
bố mẹ đã phải lên Nho Quan khai hoang trồng rừng, Dư và em gái ở với ông bà nội
ở phường Tân Thành để đi học và đã phải trải qua những năm tháng tuổi thơ nhiều
thiệt thòi, thiếu thốn so với các bạn đồng trang lứa. Tất cả những điều ấy thực
sự ít ai biết đến vì em rất tự trọng, không bao giờ chia sẻ, không bao giờ than
thở nửa lời về gia cảnh của mình, không muốn nhận sự quan tâm giúp đỡ đặc biệt
nào và luôn muốn được đối xử công bằng như bao bạn học khác. Dư lặng lẽ chịu đựng,
nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, đi làm thêm đủ mọi việc để phụ giúp ông bà. Buổi sáng
dậy sớm hái rau cho bà đi chợ bán rồi mới đi học, em đi ra vôi, phụ hồ, đóng gạch,
bốc vác, phụ việc quán ăn… để có tiền ăn học. Khó khăn, vất vả khổ sở như vậy
nhưng em luôn tự giác, nỗ lực trong học tập, học đều các môn, đạt giải HSG cấp
tỉnh môn Ngữ văn, tham gia đội tuyển HSGQG môn Địa lý và đạt giải Khuyến khích
năm học 2006-2007.
Hoàn cảnh riêng
nhiều khó khăn nhưng Dư luôn là người sống rất trách nhiệm, khiêm nhường, chu đáo
và luôn quan tâm chia sẻ với người khác. Lớp chuyên Văn khi ấy có 32 HS nữ và 2
HS nam nên mọi công việc của lớp Dư luôn chủ động gánh vác, làm tất cả mọi việc
một cách thầm lặng và chu đáo, giản dị nhưng rất chân tình. Em còn tích cực
tham gia các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng, cùng một số bạn tham gia dạy
học cho các em nhỏ ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh, thành lập ra nhóm Discovery
với các hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường, góp phần làm thay đổi nhận thức
của các học sinh trong trường.
Năm 2007, Dư thi
đỗ vào Học viện báo chí và truyên truyền chuyên ngành báo in khoá 27, em vừa học
vừa làm, tự lo toan trang trải cuộc sống nhưng vẫn học rất giỏi, được các bạn tín
nhiệm bầu làm lớp phó học tập và được kết nạp Đảng khi đang học năm thứ 3. Tốt
nghiệp ra trường, em trở thành cộng tác viên tin cậy của rất nhiều tờ báo, từng
tham gia công tác ở ban Thời nay báo Nhân dân, Tạp chí Công đoàn và Lao động, VTV…
Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, bố mẹ bệnh tật đau yếu, Dư phải bươn chải vất
vả để phụ giúp bố mẹ, nuôi em, nuôi hai đứa cháu nhưng vẫn nỗ lực học tập để
theo đuổi niềm đam mê với nghề báo. Dư đã lấy bằng thạc sĩ năm 2015 và sau đó
thi tuyển vào TTXVN, đỗ thứ 2 trên tổng số 700 người dự thi. Tháng 10 năm 2016,
Dư chính thức trở thành phóng viên TTXVN và nhận nhiệm vụ lên Yên Bái công tác.
Theo đánh giá của những người trong nghề thì Dư là một nhà báo có tài, có tâm,
xông xáo, yêu nghề, không ngại khó khăn nguy hiểm … Trong đợt lũ quét kinh hoàng
tháng 8/2017 tại huyện Mù Căng Chải, Dư đã đến những điểm nóng khốc liệt nhất,
kịp thời truyền tải những thông tin về tình hình bão lũ. Vì những đóng góp cho
công tác thông tin tuyên truyền, Đinh Hữu Dư đã được truy tặng Bằng khen của Thủ
tướng chính phủ, TW Đoàn thanh niên, Hội nhà báo Việt Nam…
Dư ra đi ở tuổi
29 khi có nhiều thứ vừa mới bắt đầu và còn rất nhiều điều vẫn đang còn dang dở.
Đó là một mất mát quá lớn với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… nhưng cũng chính trong
mất mát ấy mà rất nhiều góc khuất trong cuộc sống của Dư được hé lộ khiến mọi
người càng thêm xót xa, yêu mến và cảm phục trước một cuộc đời, một nhân cách đáng
trọng của một chàng trai trẻ. Dư đã sống một cuộc đời trầm lặng, giản dị như
bao người bình thường, đã bền bỉ vươn lên bằng nghị lực phi thường để từ một cậu
bé nghèo trở thành một nhà báo. Nhưng điều đáng quý, đáng trân trọng nhất ở Dư
là em đã sống trọn vẹn với cuộc đời, với mọi người bằng tấm lòng nhân hậu và sự
chân thành giản dị, bằng tinh thần lạc quan và suy nghĩ tích cực, luôn nghĩ và
hướng về những điều tốt đẹp, luôn làm những “việc tử tế” dành tặng cho mọi người.
Khi Dư mất đi, rất
nhiều người mới biết em đang thực hiện một dự án xây dựng thư viện sách cho các
trẻ em nghèo ở vùng cao Yên Bái. Dư đã nhờ bạn bè, người quen thu gom, quyên góp
ủng hộ sách để rồi mỗi lần từ Hà Nội lên Yên Bái, một mình Dư lại lỉnh kỉnh vận
chuyển hàng chồng sách nặng. Đến căn phòng Dư ở trên Yên Bái, mọi người đều lặng
người đi vì xúc động trước những chồng sách được xếp ngay ngắn gọn gàng chờ ngày
chuyển đến với các em nhỏ. Giấc mơ đẹp đẽ ấy chưa kịp hoàn thành thì Dư đã ra đi.
Việc làm của Dư tuy giản dị, thầm lặng nhưng lại vô cùng ý nghĩa. Xung quanh
chúng ta vẫn còn có biết bao người có hoàn
cảnh khó khăn, thiệt thòi bất hạnh. Nhất là trẻ em vùng cao đang phải sinh sống
và học tập trong những điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn
tinh thần. Các em nhỏ cần lắm những sự quan tâm, sẻ chia yêu thương từ cộng đồng.
Chỉ là một cuốn sách nhỏ, một chiếc áo len, một chiếc chăn ấm… nhưng lại mang đến
cho biết bao trẻ em nghèo niềm vui, niềm hạnh phúc. Và biết đâu một hành động
nhỏ của chúng ta sẽ giúp một em nhỏ không phải bỏ học, có thêm động lực tinh thần
vượt lên khó khăn để được đến trường, viết tiếp ước mơ trở thành giáo viên, bác
sĩ, kĩ sư, nhà báo, nghệ sĩ…để trở thành người sống có ích, đóng góp và cống hiến
cho xã hội. Những việc tử tế, tình yêu thương, lòng tốt bình thường nhưng thiết
thực của mỗi người sẽ nuôi dưỡng tình yêu và niềm tin vào những điều tốt đẹp
trong cuộc sống. Đó cũng chính là điều mà Dư hằng tâm niệm và mong muốn.
Ước nguyện mang ý
nghĩa nhân văn cao đẹp của nhà báo trẻ Đinh Hữu Dư đã khiến cho mọi người vô cùng
cảm phục và trân trọng. Rất nhiều các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã và đang tiến
hành các chương trình vận động ủng hộ xây dựng tủ sách Đinh Hữu Dư cho trẻ em
nghèo vùng cao, tạo nên một hiệu ứng đẹp trong cộng đồng. Cũng với mong muốn thực
hiện tâm nguyện của Đinh Hữu Dư, VTV3- Đài truyền hình Việt Nam đã có kế hoạch
phối hợp với trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, Học viện báo chí và tuyên truyền,
trường THCS Olympia – Hà Nội… thực hiện chương trình Điều ước thứ bảy, phát động
một phong trào quyên góp ủng hộ sách vở, chăn, áo ấm cho trẻ em vùng cao Yên Bái
để câu chuyện về Đinh Hữu Dư sẽ không kết thúc mà sẽ còn được viết tiếp cho hiện
tại và sau này.
Chia sẻ câu chuyện
và ước nguyện của nhà báo Đinh Hữu Dư, chúng tôi rất mong nhận được sự đồng cảm,
ủng hộ giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, và
đặc biệt là các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và toàn thể các em học sinh
trong trường trong việc thực hiện chương trình quyên góp, ủng hộ sách vở, chăn ấm
cho các em học sinh nghèo của tỉnh Yên Bái để hành trình Đinh Hữu Dư được viết
tiếp, được nhân rộng. Những yêu thương cho đi sẽ nhân lên những yêu thương, lan
toả những giá trị nhân văn đẹp đẽ trong cộng đồng để cuộc sống của mỗi chúng ta
sẽ trở nên giàu ý nghĩa hơn.
Chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của
quý vị cùng thầy cô và các em. Xin trân
trọng cảm ơn!
Kế hoạch thực hiện chương trình Điều ước thức 7
Số lượt đọc:
662
-
Cập nhật lần cuối:
31/10/2017 08:17:00 AM |