THPT Chuy�n Luong Van T?y
Đang tải dữ liệu...
Ngữ văn

Tuần 25 GIÚP EM LÀM TỐT BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

  30/01/2015 10:00:24 PM 
GIÚP EM LÀM TỐT BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

(Dành cho các em học sinh ôn thi Tốt nghiệp và Đại học môn Ngữ văn )

1. Nghị luận xã hội không khó

Cần phải khẳng định ngay điều này với tất cả các bạn học sinh lớp 12 đang ôn thi Tốt nghiệp và Đại học môn Văn. Nghị luận xã hội chỉ khó khi bạn chưa nắm được phương pháp làm bài và chưa tích luỹ vốn sống về các vấn đề cần nghị luận. Thậm chí nhiều bạn học sinh do đã quá quen với nghị luận văn học và phụ thuộc vào các giờ đọc hiểu văn bản trên lớp, sách tham khảo, hướng dẫn, bài văn mẫu …nên thấy có thể viết được nghị luận văn học mà không biết viết nghị luận xã hội, thậm chí chưa nắm được phương pháp làm bài. Thực tế qua các kì thi Tốt nghiệp, các bài thi khảo sát, bán kì, hết học kì… có thể thấy bệnh của học sinh làm nghị luận xã hội là:

- Nghĩ gì viết đó, nghĩa là trước vấn đề nghị luận xã hội mà đề bài yêu cầu thì học sịnh suy nghĩ như thế nào, viết y nguyên như vậy, không hề có sự sắp xếp, gọt dũa, trau truốt. Những bài làm này thường rất nông cạn, hời hợt, sơ sài

- Có hiểu biết về vấn đề nghị luận xã hội mà đề bài yêu cầu nhưng chưa biết trình bày cho bài bản, hợp lí để thuyết phục người đọc và ăn điểm.

- Ngoài ra, học sinh làm nghị luận xã hội còn có thể mắc một số căn bệnh khác như “mượn giọng”( tuyên truyền, rao giảng đạo đức, hô khẩu hiệu hoặc sáo rỗng…), tuỳ hứng (khoe kiến thức hoặc lan man, dông dài…)

Để khắc phục những căn bệnh trên và góp phần giúp các em giải quyết khâu tư tưởng, ôn và làm bài nghị luận xã hội dễ dàng hơn trong các kì thi trước mắt, người viết xin nêu một số vấn đề mang tính then chốt về nghị luận xã hội (kkhông đi vào các vấn đề chi tiết về phương pháp, kĩ năng)

2. Những yêu cầu chính của bài nghị luận xã hội

2.1. Xác định chính xác vấn đề nghi luận

- Tư tưởng đạo lí thường được diễn đạt dưới dạng mệnh đề triết lí (danh ngôn, quan niệm, ngạn ngữ..) trong đó thường chứa những khái niệm thuật ngữ, hình tượng trừu tượng, vì vậy người viết cần xác định đúng ý đồ, quan điểm, tư tưởng của người phát ngôn và nội dung của mệnh đề triết lí đó

- Nếu là nghị luận về hiện tượng xã hội thì cần xác định rõ hiện tượng đó là gì? đã và đang diễn ra như thế nào? Nghĩa là cần xác định và đánh giá đúng mức về hiện tượng đó để bàn luận

2.2 Khi bàn luận phải đảm bảo hai yêu cầu : rõ vấn đề và có thái độ, chính kiến của người bàn luận.

Tuy nghị luận xã hội là dạng đề mở, người viết có thể thể tự do bộc lộ trình bày suy nghĩ ý kiến của mình nhưng không có nghĩa là muốn viết gì thì viết. Ý kiến quan điểm là của riêng bạn nhưng nó vẫn phải được xây dựng trên nền tảng giá trị đạo đức và kinh nghiệm cộng đồng. Nghĩa là người đọc và người nghe có thể chấp nhận được, tránh hiện tượng trái khoáy, ngang phè hoặc phản cảm. Cụ thể.

- Với kiểu bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí, cần thực hiện :

+ Vấn đề nghị luận là gì? (Giải thích)

+ Bản thân có ý kiến gì về vấn đề đó ( bình luận vấn đề đó là đúng hoặc sai hoặc đưa ra ý kiến của riêng mình). Nên nhớ rằng đưa ra ý kiến không quan trọng bằng việc lí giải vì sao đưa ra ý kiến đó (cơ sở của ý kiến). Muốn làm được điều này, bạn cần xác đặt vấn đề cần nghị luận vào trong mối tương quan với các vấn đề có quan hệ hoặc gần gũi, tương đồng với nó. Điều đó giúp cho bạn rất nhiều khi lí giải, bảo vệ ý kiến của mình.

+ Lấy dẫn chứng để minh hoạ cho vấn đề nghị luận (dẫn chứng có thể lấy ở nhiều lĩnh vực: sách vở, đời sống…nhưng dù lấy ở đâu cũng cần đảm bảo yêu cầu : tiêu biểu, độc đáo và toàn diện).

+ Mở rộng, nâng cao vấn đề và liên hệ bản thân

- Với kiểu bài nghị luận về một hiện tượng xã hội, cần làm rõ:

+ Thực trạng hiện tượng đó như thế nào? dẫn đến hậu quả gì?

+ Nguyên nhân của thực trạng hiện tượng đó? (nguyên nhân phải được xét từ nhiều phía: chủ quan, khách quan, trực tiếp, gián tiếp hoặc từ những mối quan hệ khác nhau của các yếu tố trong quá trình tạo thành và dẫn đến thực trạng…)

+ Giải pháp khắc phục ? (thông thường có những nguyên nhân nào thì sẽ có những giải pháp tương ứng. Ngoài ra người viết có thể đề xuất những giải pháp khác mà bản thân thấy hợp lí, khả thi).

Xác định hai yêu cầu trên của bài nghị luận xã hội để người viết hướng tới. Tuy nhiên viết nghị luận hay và sắc sảo là một quá trình rèn luyện và trau dồi, tích luỹ mới có thể đạt đến. Muốn vậy người viết cần tích lũy cho mình những hiểu biết xã hội (những tri thức không nằm trong sách vở nhà trường), phải biết quan sát, tìm hiểu học hỏi và suy ngẫm về các vấn đề của đời sống, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến lớp trẻ, những vấn đề nhức nhối mà cả xã hội đang quan tâm. Thực chất nó không nằm ngoài các vấn đề thuộc phạm trù : đạo đức, các mối quan hệ, ứng xử, quan niệm về giá trị, nhân cách, lí tưởng tuổi trẻ… Nếu có hiểu biết sâu về những phạm trù này thì khi bàn luận sẽ rất dễ dàng. Nghĩa là nếu có hiểu biết sâu sắc, vốn sống phong phú ( nhớ nhiều những câu danh ngôn, triết lí, câu chuyện ngụ ngôn, bài học từ cuộc sống đời thường, phim ảnh … để vận dụng thì bài làm sẽ có sức thuyết phục cao). Một điều quan trọng nữa của nghị luận xã hội là người viết có thể hiểu biết chưa sâu, chưa chín về vấn đề đang nghị luận, điều này là khó tránh khỏi nhưng khi viết nghị luận phải chân thực, viết bằng chính suy nghĩ, cảm xúc của mình, thể hiện được cái Tôi của mình chứ không vay mượn, nói hộ ai. Nghĩa là làm sao để người đọc khi đọc bài viết nhận thấy người làm bài là một công dân có suy nghĩ độc lập, đã có sự trưởng thành nhất định về nhận thức, tư duy…

3. Nghị luận xã hội rất dễ ăn điểm

Học văn có giá trị lâu dài, giúp bồi đắp tâm hồn, vốn hiểu biết, văn hoá ứng xử, kinh nghiệm sống…Tuy nhiên giá trị tức thời của môn Văn làm nên 1/3 giá trị tấm giấy gọi vào trường Đại học mà em lựa chọn. Vậy nên em cần nhớ rằng để đạt điểm từ mức khá trở lên, chắc chắn em phải làm tốt bài Nghị luận xã hội. Thực tế nhiều bạn rất chăm chỉ ôn và dành nhiều thời gian công phu cho phần Nghị luận văn học mà coi nhẹ nghị luận xã hội. Trong cấu trúc đề thi Tốt nghiệp và tuyển sinh Đại học, câu Nghị luận xã hội chiếm 3 điểm. Với dung lượng bài làm khoảng trên dưới 2 trang giấy thi, em có thể ẵm trọn 3 điểm. Kinh nghiệm chấm bài cho thấy các thầy cô giám khảo có thể cho điểm tối đa câu nghị luận xã hội, còn câu nghị luận văn học thì rất khó vì bản thân em làm bài đã khó đạt tới điều đó, chưa nói đến ý kiến chủ quan của các giám khảo khi quyết định cho bài nghị luận văn học đạt điểm tối đa, phấn đấu được 3/5 điểm của câu nghị luận văn học cũng đã xương xương rồi, điểm 4 đã khó mà điểm 5 thì có lẽ còn dài cổ hơn. Mặt khác như đã nói ở phần trên đó là kiến thức nghị luận xã hội rất đơn giản là những điều thuộc về cuộc sống hàng ngày, (chứ không mênh mông dày đặc như Nghị luận văn học), chỉ cần em để ý và biết cách là Okie! ngay. Vậy nên, lời khuyên cho em là : hãy đầu tư xứng đáng cho phần nghị luận xã hội trong bài làm của mình. Sau đây xin giới thiệu với các em một số dàn ý và bài mẫu của đề văn nghị luận xã hội.

Bài 1

Hãy viết bài văn nghị luận khoảng 400-600 từ bình luận ý kiến sau:

Bộ lông làm đẹp con công, học vấn làm đẹp con người

Yêu cầu

Bài viết cần làm rõ những ý sau:

1. Giải thích câu nói

- Học vấn là toàn bộ những tri thức, hiểu biết mà con người học hỏi, tích luỹ qua quá trình sống, học tập và làm việc.

Ý cả câu nói: đề cao giá trị, vai trò của học vấn làm nên vẻ đẹp của con người. Không phải vẻ đẹp hình thức trang sức bề ngoài mà là vẻ đẹp chiều sâu, thước đo giá trị của con người.

2. Bình luận:

Đây là ý kiến đúng đắn, sâu sắc. Bởi vì:

- Học vấn không phải là thứ sẵn có của con người. Để có học vấn, con người phải học hỏi, tích luỹ tri thức, trau dồi, trải nghiệm… làm phong phú vốn sống và hiểu biết của mình.

- Học vấn làm đẹp con người vì nhờ có học vấn, nhờ có tri thức mà con người hơn tất cả các loài khác trên trái đất; con người tiến tới văn minh, cải tạo bản thân và hoàn cảnh và ngày một hoàn thiện mình.

- Học vấn, tri thức là sức mạnh của con người. Giá trị của học vấn là giá trị bất biến, không nhất thời như những giá trị vẻ đẹp hình thức khác (lấy dẫn chứng minh hoạ).

3 Mở rộng, nâng cao vấn đề, liên hệ thực tiễn:

- Đề cao, coi trọng học vấn cũng như sự học là tư tưởng mang tính truyền thống của ông cha ta từ ngàn xưa cũng như của tổ tiên loài người. Đạo học của người Việt Nam được chú trọng qua rất nhiều câu thành ngữ như Tôn sư trọng đạo, Người không học như ngọc không mài; Đạo Nho cũng dạy: Nhân bất học bất tri lí, ấu bất học, lão hà vi?...

- Phê phán thái độ coi nhẹ, xem thường học vấn cũng như sự thiếu cố gắng, nỗ lực trong học tập của nhiều bạn trẻ hiện nay.

- Đất nước trong thời kì hội nhập và phát triển, tri thức, học vấn chính là cánh cửa để chúng ta bước vào toàn cầu hoá, mỗi bạn trẻ cần ý thức được vai trò, trách nhiệm và cơ hội của bản thân và tích cực học tập, nâng cao trình độ học vấn để phát triển bản thân và hoà nhập cộng đồng, góp sức vào công cuộc dựng xây đất nước trong thời kì mới .

Tải tài liệu gốc tại:
Đây