THPT Chuy�n Luong Van T?y
Đang tải dữ liệu...

Trang chủGiới thiệuHội trường 60 nămTin tứcThông báoCông khaiThư viện tài liệuTuyển sinh
   Toán học    |    Tin học    |    Vật lý    |    Hóa học    |    Sinh học    |    Ngữ văn    |    Ngoại ngữ    |    Lịch sử    |    Địa lý    |    Upload   
Sinh học

Tuần 25: HỆ THỐNG CÂU HỎI VỀ CÂN BẰNG NỘI MÔI

   
12:58' PM - Thứ ba, 03/02/2015



PHẦN A. MỞ ĐẦU

I. Lí do chọn đề tài

Kiểm tra, đánh giá là hai khâu quan trọng của quá trình dạy học. Thông qua kiểm tra, đánh giá để phát hiện những học sinh có tư chất tốt, đồng thời phát hiện ra những lệch lạc khiếm khuyết từ quá trình dạy và học. Trên cơ sở đó có kế hoạch điều chỉnh phương pháp dạy của giáo viên và phương pháp học của học sinh trong quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi.

Có rất nhiều hình thức kiểm tra khác nhau như quan sát, vấn đáp, kiểm tra trắc nghiệm khách quan, kiểm tra tự luận.... Mỗi hình thức có ưu điểm, nhược điểm nhất định do đó trong quá trình dạy học nên kết hợp nhiều hình thức kiểm tra.

Những yêu cầu cơ bản của đổi mới kiểm tra đánh giá là kích thích sáng tạo, phát triển trí thông minh, đánh giá đúng trình độ cũng như củng cố kiến thức cho học sinh. Như vậy, hệ thống câu hỏi mà giáo viên đưa ra để kiểm tra đánh giá cũng cần thể hiện sự phân hóa học sinh.

Người giáo viên nên tuyển chọn những câu hỏi với những yêu cầu khác nhau trên cùng một vấn đề, cần đặt ra những tình huống đòi hỏi học sinh phải sử dụng những kiến thức tổng hợp để giải quyết. Từ đó sẽ gây được hứng thú, kích thích các em học tập, nghiên cứu và giúp người giáo viên phát hiện ra những học sinh xuất sắc nhất.

Những năm gần đây, “cân bằng nội môi” là một phần của chuyên đề sinh lí động vật được đưa vào thi học sinh giỏi duyên hải bắc bộ. Trong một số đề thi học sinh giỏi quốc gia và olimpic quốc tế của các năm cũng liên quan đến cân bằng nội môi.

Từ những lí do trên, tôi lựa chọn đề tài: “Hệ thống câu hỏi về cân bằng nội môi”.

II. Mục đích của đề tài

Xây dựng hệ thống câu hỏi về cân bằng nội môi để bồi dưỡng học sinh giỏi cho học sinh chuyên.

PHẦN B. NỘI DUNG

I. Cơ sở lí luận

I. 1. Các cấp độ nhận thức

I.1.1. Nhận biết


- Nhận biết là sự nhớ lại các dữ liệu, thông tin đã có sẵn trước đây ; nghĩa là có thể nhận biết thông tin, ghi nhớ, tái hiện thông tin, nhắc lại một loại dữ liệu, từ các sự kiện đơn giản đến các lý thuyết phức tạp.

- Đây là mức độ, yêu cầu thấp nhất của trình độ nhận thức, thể hiện ở chỗ học sinh có thể chỉ cần nhớ hoặc nhận ra khi được đưa ra hoặc dựa trên những thông tin có tính đặc thù của một khái niệm, một sự vật, một hiện tượng.

- Cụ thể hóa:

+ Nhận ra, nhớ lại các khái niệm, định lí, định luật, tính chất.

+ Nhận dạng được các khái niệm, hình thể, vị trí tương đối giữa các đối tượng trong các tình huống đơn giản.

+ Liệt kê, xác định các vị trí tương đối, các mối quan hệ đã biết giữa các yếu tố, các hiện tượng.

I.1.2. Thông hiểu

- Thông hiểu là khả năng nắm được, hiểu được ý nghĩa của các khái niệm, sự vật, hiện tượng, giải thích, chứng minh được các ý nghĩa của các khái niệm, sự vật, hiện tượng.

- Đây là mức độ cao hơn nhận biết nhưng là mức độ thấp nhất của việc thấu hiểu sự vật, hiện tượng, liên quan đến ý nghĩa của các mối quan hệ giữa các khái niệm, thông tin mà học sinh đã học.

- Cụ thể hóa:

+ Diễn tả bằng ngôn ngữ cá nhân các khái niệm, định lí, định luật, tính chất, chuyển đổi được từ hình thức ngôn ngữ này sang hình thức ngôn ngữ khác.

+ Biểu thị, minh họa, giải thích được ý ghĩa của các khái niệm, hiện tượng, định nghĩa, định lí, định luật.

+ Lựa chọn, bổ sung, sắp xếp lại những thông tin cần thiết để giải quyết một vấn đề nào đó.

+ Sắp xếp lại các ý trả lời câu hỏi hoặc lời giải bài toán theo cấu trúc logic.

I.1.3. Vận dụng ở mức thấp

- Vận dụng ở mức độ thấp là khả năng sử dụng kiến thức đã học vào một hoàn cảnh cụ thể mới, vận dụng nhận biết hiểu biết thông tin để giải quyết vấn đề đặt ra.

- Đây là mức độ cao hơn thông hiểu, tạo ra được sự liên kết logic giữa các khái niệm cơ bản và có thể vận dụng chúng để tổ chức lại các thông tin đã được trình bày giống với bài giảng của giáo viên hoặc trong sách giáo khoa.

- Cụ thể hóa:

+ So sánh các phương án giải quyết vấn đề.

+ Phát hiện lời giải có mâu thuẫn, sai lầm, chỉnh sửa được.

+ Giải quyết được những tình huống mới bằng cách vận dụng các khái niệm, định lí, định luật, tính chất đã biết.

+ Khái quát hóa, trừu tượng hóa từ tình huống đơn giản, đơn lẻ quen thuộc sang tình huống mới, phức tạp hơn.

I.1.4. Vận dụng ở mức cao

- Vận dụng ở mức độ cao có thể hiểu là học sinh có thể sử dụng các khái niệm về môn học, chủ để để giải quyết các vấn đề mới, không giống với những điều đã được học hoặc trình bày trong sách giáo khoa nhưng phù hợp khi được giải quyết với kỹ năng và kiến thức được giảng dạy ở mức độ nhận thức này.

- Ở mức độ này có thể hiểu nó được tổng hòa cả 3 cấp độ nhận thức là phân tích, đánh giá, sáng tạo.

I.2. Một số dạng câu hỏi thường dùng

I.2.1. Câu hỏi tự luận


- Dùng câu hỏi tự luận để đánh giá khả năng trình bày, khả năng lí luận, cũng như sự sâu chuỗi kiến thức và tầm nhìn khái quát về một vấn đề được đặt ra. Bên cạnh đó những câu hỏi gợi mở còn đánh giá được sự tư duy sáng tạo ở học sinh.

- Một số yêu cầu đối với câu hỏi tự luận:

+ Câu hỏi phải phù hợp với nội dung của chuyên đề.

+ Câu hỏi thể hiện rõ nội dung và cấp độ tư duy cần đo.

+ Câu hỏi yêu cầu học sinh phải vận dụng kiến thức vào các tình huống mới.

+ Yêu cầu học sinh phải am hiểu nhiều hơn là ghi nhớ những khái niệm, thông tin.

+ Ngôn ngữ sử dụng trong câu hỏi phải truyền tải được những yêu cầu của giáo viên đến học sinh.

+ Khi xây dựng câu hỏi nên chú ý đến độ dài của câu hỏi, từ ngữ mạch lạc, rõ ràng.

I.2.2. Câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn

- Dùng câu hỏi trắc nghiệm để kiểm tra về kiến thức nền, khả năng đọc rộng, suy luận nhanh và những đơn vị kiến thức chi tiết, những kết luận dễ bị bỏ quên.

- Một số yêu cầu đối với câu hỏi trắc nghiệm có nhiều lựa chọn:

+ Câu hỏi phải phù hợp với nội dung của chuyên đề.

+ Câu hỏi thể hiện rõ nội dung và cấp độ tư duy cần đo.

+ Câu dẫn phải đặt ra câu hỏi trực tiếp hoặc một vấn đề cụ thể.

+ Không nên trích dẫn nguyên văn những câu có sẵn trong sách giáo khoa.

+ Từ ngữ, cấu trúc của câu hỏi phải rõ ràng và dễ hiểu đối với học sinh.

+ Mỗi phương án nhiễu phải hợp lí đối với những học sinh không nắm vững kiến thức.

+ Mỗi phương án sai nên xây dựng dựa trên các lỗi hay nhận thức sai lệch của học sinh.

+ Phần lựa chọn phải thống nhất và phù hợp với nội dung của câu dẫn.

+ Mỗi câu hỏi chỉ có một đáp án đúng, chính xác nhất.

+ Không nên đưa ra phương án tất cả các đáp án đều đúng hoặc không có phương án nào đúng.

I.2.3. Một số lưu ý khi xây dựng câu hỏi

- Các câu hỏi phải diễn đạt sao cho có thể giúp học sinh nắm được kiến thức cơ bản và phân loại mức độ học khác nhau.

- Có thể sử dụng các từ nghi vấn chung về phẩm chất, về phương thức, về nguyên nhân, về kết quả, về mối quan hệ, so sánh, chứng minh,...để tạo ra các câu hỏi cụ thể.

+ Câu hỏi nhằm khai thác vốn tri thức, vốn sống, những hiểu biết đã có của học sinh có thể dùng các từ hỏi chung như sau: em hãy cho biết? ; cho ví dụ ?

+ Câu hỏi đòi hỏi học sinh phải giải thích có thể dùng các từ hỏi chung như sau: hãy giải thích vì sao? ; hãy giải thích tại sao?

+ Câu hỏi đòi hỏi phân tích, so sánh có thể dùng các từ hỏi chung như sau: so sánh..., nêu những điểm khác nhau giữa...? ; đặc điểm nào chứng tỏ ; hãy chứng minh?

+ Câu hỏi đòi hỏi học sinh nêu lên những phán đoán, dự đoán, những giả định của mình có thể dùng các từ hỏi chung như sau: điều gì sẽ xảy ra nếu..? ; hiện tượng nào có thể xảy ra nếu...?

- Trong câu hỏi nên sử dụng các động từ như phân tích, chứng minh, định nghĩa, đánh giá, giải thích, xác định, minh họa, liên hệ, tóm tắt, mô tả quá trình,...

I.3. Kiến thức cơ bản của chuyên đề “cân bằng nội môi”

I.3.1. Khái niệm


- Nội môi là môi trường bên trong cơ thể.

- Cân bằng nội môi là duy trì sự ổn định của môi trường trong cơ thể.

- Ví dụ: duy trì nồng độ glucôzơ trong máu người ở 0,1%.




- Cơ chế duy trì cân bằng nội môi có sự tham gia của các bộ phận: bộ phận tiếp nhận kích thích, bộ phận điều khiển, bộ phận đáp ứng kích thích.

+ Bộ phận tiếp nhận kích thích: thụ thể hoặc cơ quan thụ cảm. Bộ phận này tiếp nhận kích thích từ môi trường và hình thành xung thần kinh truyền về bộ phận điều khiển.

+ Bộ phận điều khiển: trung ương thần kinh hoặc tuyến nội tiết. Bộ phận này điều khiển hoạt động của các cơ quan bằng cách gửi đi các tín hiệu thần kinh hoặc hoocmôn.

+ Bộ phận đáp ứng kích thích: là các cơ quan như gan, thận, phổi, tim, mạch máu,…Bộ phận này dựa trên tín hiệu thần kinh hoặc hoocmôn hoặc tín hiệu thần kinh và hoocmôn để tăng hay giảm hoạt động nhằm đưa môi trường trong trở về trạng thái cân bằng và ổn định.

+ Sự trả lời của các bộ phận đáp ứng kích thích làm biến đổi các điều kiện lí hóa của môi trường trong. Sự biến đổi đó có thể lại trở thành kích thích tác động ngược trở lại bộ phận tiếp nhận kích thích. Sự tác động ngược trở lại như vậy gọi là liên hệ ngược.

I.3.4. Một số cơ chế cân bằng nội môi ở người và các động vật bậc cao

- Cơ chế điều hòa áp suất thẩm thấu:

+ Thông qua cơ chế điều hòa lượng nước lấy vào và lượng nước thải ra với sự tham gia của cơ quan tiêu hóa thông qua ăn uống và cơ quan bài tiết thông qua sự bài tiết nước tiểu nhiều hay ít, chủ yếu là thận.

+ Thông qua cơ chế đảm bảo cân bằng các chất điện giải và các chất tan trong huyết tương với sự tham gia của thận, gan và tuyến tụy.

- Cơ chế điều hòa pH nội môi:

Nhờ các hệ đệm bicacbonat, hệ đệm photphat, hệ đệm prôtêinat.

- Cơ chế điều hòa thân nhiệt:

Giữ cho thân nhiệt ổn định bằng cơ chế đảm bảo sự cân bằng của các quá trình sinh nhiệt và tỏa nhiệt.

- Cơ chế điều hòa huyết áp:

Nhờ cơ chế điều chỉnh nhịp tim, co dãn của thành mạch…

Từ những cơ sở lí luận trên, tôi đã hệ thống câu hỏi của chuyên đề cân bằng nội môi để dùng trong giảng dạy và ôn luyện cho học sinh lớp chuyên sinh.

II. Xây dựng hệ thống câu hỏi

II. 1. Câu hỏi tự luận ở mức độ nhận biết

Câu 1. Thế nào là cân bằng nội môi?

Câu 2. Cân bằng nội môi có ý nghĩa gì?

Câu 3. Hãy kể 3 ví dụ về mất cân bằng nội môi.

Câu 4. Em hãy kể tên và nêu vai trò của các thành phần tham gia vào cơ chế duy trì cân bằng nội môi?

Câu 5. Trình bày cơ chế điều hòa nước và muối khoáng của thận.

Câu 6. Trình bày vai trò của gan trong sự điều hòa glucôzơ và prôtêin huyết tương?

Câu 7. Trình bày sơ đồ cơ chế điều hòa đường huyết trong cơ thể.

Câu 8. Nêu tên 2 hoocmôn chính tham gia điều hòa hàm lượng đường huyết. Nguồn gốc và chức năng cơ bản của 2 hoocmon đó.

Câu 9. Cơ thể có cơ chế nào để duy trì độ pH của máu ổn định.

Câu 10. Trình bày cơ chế điều hòa thân nhiệt khi trời nóng, lúc trời lạnh, khi hoạt động mạnh.

Câu 11. Sự điều hòa huyết áp theo cơ chế thần kinh diễn ra như thế nào?

Câu 12. Nêu cơ chế điều hòa huyết áp bằng thể dịch?

Câu 13. Trình bày sự điều hòa huyết áp bằng cơ chế thần kinh và thể dịch trong trường hợp huyết áp tăng cao và huyết áp hạ.

II. 2. Câu hỏi tự luận ở mức độ thông hiểu

Câu 1. Điều gì sẽ xảy ra khi cân bằng nội môi bị phá vỡ?

Câu 2. Giải thích cơ chế liên hệ ngược trong quá trình điều hòa cân bằng nội môi? Cho ví dụ minh họa.

Câu 3. Cảm giác khát thường xảy ra khi nào và được điều hòa như thế nào?

Câu 4. Tại sao khi ta ăn nhiều đường nhưng lượng đường trong máu vẫn luôn giữ được ở mức ổn định?

Câu 5. Hợp chất natribicacbonat (NaHCO3) có vai trò sinh lí gì trong cơ thể người và động vật có vú?

Câu 6. Tại sao các hoạt động trong cơ thể luôn diễn ra nhưng không làm thay đổi pH nội môi?

Câu 7. Trong các hệ đệm: bicacbonat, phôtphat, prôtêinat, hệ đệm nào mạnh nhất đối với sự cân bằng pH nội môi? Vì sao.

Câu 8. Tại sao pH trung bình của máu chỉ dao động giới hạn hẹp: 7,35 – 7,45?

Câu 9. Khi lao động nặng, lượng CO2 sản sinh ra nhiều thì hiện tượng gì xảy ra?

II. 3. Câu hỏi tự luận ở mức độ vận dụng

Câu 1. Khi ta uống nhiều nước thì lượng nước tiểu thải qua thận tăng lên. Tại sao?

Câu 2. Hoạt động của thận được điều tiết như thế nào trong những trường hợp sau đây?

a. Áp suất thẩm thấu trong máu tăng cao sau bữa ăn có quá nhiều muối.

b. Khối lượng máu giảm do cơ thể bị mất nước.

Câu 3. Khi cơ thể bị mất nhiều mồ hôi do lao động nặng nhọc thì nồng độ các hoocmôn ADH và anđôsteron trong máu có thay đổi không? Tại sao.

Câu 4. Vì sao khi uống nhiều rượu thường cảm thấy khát nước và mất nhiều nước qua nước tiểu?

Câu 5. Tại sao nói vùng dưới đồi, tuyến yên, tuyến thượng thận và thận có vai trò quan trọng trong cơ chế điều hòa áp suất thẩm thấu của cơ thể?

Câu 6. Do gan bị bệnh nên nồng độ prôtêin huyết tương giảm, điều này có ảnh hưởng đến lượng nước tiểu đầu không? Tại sao?

Câu 7. Tại sao những người bị tiểu đường lại thường tiểu tiện nhiều?

Câu 8. Tại sao những người bị bệnh đái tháo đường có pH máu thấp hơn người bình thường?

Câu 9. Một số động vật như chó mèo có ít tuyến mồ hôi. Bằng cách nào chúng điều hòa thân nhiệt khi trời nóng.

Câu 10. Khi trời nóng, da bạn thường ửng hồng, bạn uống nhiều nước hơn nhưng khi trời lạnh da bạn thường tái đi và bạn ăn nhiều hơn. Hãy giải thích tại sao?

Câu 11. Một người bị nôn mửa, không ăn và uống trong vòng 24 giờ, dạ dày bị mất nhiều dịch axit. Cơ thể người bệnh có những đáp ứng nào để điều chỉnh cân bằng nội môi giữ pH máu và huyết áp ổn định?

Câu 12. Khi lao động quá mức, pH của máu hơi ngả về tính axit. Giải thích? Nếu để tình trạng lao động quá sức này kéo dài thì hậu quả sẽ thế nào?

Câu 13. Một người không bị bệnh tiểu đường, không ăn uống gì để đi xét nghiệm máu. Khi xét nghiệm máu, bác sĩ thông báo nồng độ glucagôn cao, nồng độ insulin thấp. Bệnh nhân đó rất lo lắng. Nếu em là bác sĩ, em sẽ giải thích cho bệnh nhân đó như thế nào?

Câu 14. Khi tiêu chảy kéo dài, cơ thể mất nhiều nước, huyết áp giảm. Trong trường hợp này cơ thể phản ứng thế nào? Trình bày cơ chế phát sinh phản ứng đó.

Câu 15. Bệnh cao huyết áp (160/100) ở một người đàn ông là do nồng độ aldosteron cao. Hãy cho biết, nồng độ aldosteron cao trong máu của người này còn gây ra những thay đổi nào đối với pH máu, nồng độ K+ trong máu, thể tích dịch ngoại bào và tiết renin? Giải thích.

Câu 16. Hãy nêu những điểm khác nhau về thành phần cấu tạo của 2 cơ chế duy trì huyết áp và duy trì nồng độ glucôzơ.

II. 4. Câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn ở mức độ vận dụng

Câu 1. Sự xuất hiện glucôzơ trong nước tiểu

A. là hiện tượng sinh lí bình thường

B. chứng tỏ có bệnh thận.

C. xảy ra chỉ khi các vật chuyển glucôzơ bị quá tải.

D. là kết quả của hạ đường huyết.

Câu 2. Một người bị phù chân có khả năng liên quan đến hiện tượng nào nhiều nhất trong các hiện tượng sau?

A. Giảm hàm lượng prôtêin huyết tương

B. Uống nhiều nước.

C. Tăng đường kính động mạch.

D. Mất máu, dẫn đến nước đi ra từ tế bào bù lại lượng máu đã mất.

Câu 3. Hệ đệm có hiệu quả nhất trong dịch nội bào là

A. phôtphat. B. bicacbonat. C. axit cacbônic. D. prôtêin.

Câu 4. Khi người ta ở ngoài trời nắng hanh trong vài giờ đồng hồ và không được uống nước, điều gì sau đây sẽ xảy ra?

A. Áp suất thẩm thấu của máu giảm. B. Tái hấp thu ở ống thận giảm.

C. Nồng độ urê trong nước tiểu giảm. D. Thùy sau tuyến yên tăng tiết ADH.

Câu 5. Khi xét nghiệm máu một bệnh nhân, người ta thấy nồng độ glucagôn cao nồng độ insulin thấp. Giải thích nào sau đây nhiều khả năng đúng nhất?

A. Bệnh nhân đã uống một lượng lớn nước ngọt trên đường đến bệnh viện.

B. Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường.

C. Bệnh nhân đã không ăn gì vài giờ đồng hồ trước đó.

D. Do đo sai lượng hoocmôn.

Câu 6. Rượu khi đi vào cơ thể làm tăng lượng nước tiểu vì rượu

A. ức chế sản sinh anđôsteron, do đó giảm tái hấp thu nước và Na+.

B. kích thích sản sinh anđôsteron làm tăng hấp thu Na+ và giảm tái hấp thu nước ở ống thận.

C. kích thích sản sinh và giải phóng ADH.

D. ức chế sản sinh và giải phóng ADH.

Câu 7. Nguyên nhân nào sau đây làm tăng đường huyết?

A. Insulin tham gia chuyển hóa đường. B. Glucagôn tham gia chuyển hóa đường.

C. Anđôstêron tham gia chuyển hóa đường. D. Do gan ngừng tổng hợp glicôgen dự trữ.

Câu 8. Điều nào quan trọng nhất gây ra sự mất cân bằng áp suất thẩm thấu của máu?

A. Lượng nước trong máu. B. Nồng độ đường trong máu.

C. Nồng độ Na+ trong máu. D. Nồng độ khí CO2 trong máu.

III. Đáp án của một số câu hỏi

- Với các câu hỏi tự luận nhận biết và thông hiểu đã có trong tài liệu sách giáo khoa và bài giảng của giáo viên. Giáo viên có thể hướng dẫn các em tự trả lời các câu hỏi nhận biết và thông hiểu.

- Với các câu hỏi tự luận vận dụng, tôi xin nêu ra các ý chính theo hệ thống đáp án sau:

Câu 1. Khi ta uống nhiều nước thì lượng nước tiểu thải qua thận tăng lên. Tại sao?

- Uống nhiều nước làm áp suất thẩm thấu máu giảm, giảm kích thích lên vùng dưới đồi, giảm tiết ADH, tính thấm ở ống thận giảm, giảm lượng nước tái hấp thu → tăng thải nước tiểu.

- Uống nước nhiều làm tăng huyết áp, tăng áp lực lọc ở cầu thận, tăng thải nước tiểu.

Câu 2. Hoạt động của thận được điều tiết như thế nào trong những trường hợp sau đây?

a. Áp suất thẩm thấu trong máu tăng cao sau bữa ăn có quá nhiều muối.

b. Khối lượng máu giảm do cơ thể bị mất nước.

a. + Áp suất thẩm thấu của máu tăng cao kích thích lên vùng dưới đồi làm tăng giải phóng ADH ở tuyến yên.

+ ADH kích thích ống lượn xa và ống góp tái hấp thu nước.

+ Vùng dưới đồi còn gây cảm giác khát, động vật tìm nước để uống.

b. Khối lượng máu giảm làm giảm huyết áp đến thận

+ Bộ máy cận quản cầu tiết Renin.

+ Renin làm Angiotensin kích thích vỏ thượng thận tiết alđôstêron tăng tái hấp thu Na+ (kèm theo nước ở ống lượn xa).

+ Angiotensin còn làm co động mạch nhỏ đến thận làm giảm lọc ở cầu thận .

Câu 3. Khi cơ thể bị mất nhiều mồ hôi do lao động nặng nhọc thì nồng độ các hoocmôn ADH và anđôsteron trong máu có thay đổi không? Tại sao.

- Mất mồ hôi nhiều làm nồng độ các hoocmôn ADH và aldosteron trong máu tăng lên.

- Giải thích:

Mất mồ hôi dẫn đến thể tích máu giảm và áp suất thẩm thấu máu tăng.

+ Thể tích máu giảm làm tăng tiết rênin, thông qua angiotensin làm tăng tiết aldosteron.

+ Áp suất thẩm thấu máu tăng sẽ kích thích vùng dưới đồi làm tăng giải phóng ADH từ tuyến yên.

Câu 4. Vì sao khi uống nhiều rượu thường cảm thấy khát nước và mất nhiều nước qua nước tiểu?

- Hoocmôn ADH kích thích tế bào ống thận tăng cường tái hấp thu nước trả về máu nên lượng nước tiểu giảm.

- Rượu làm giảm tiết ADH. Vì vậy làm giảm tái hấp thu nước ở ống thận. Lượng nước không được tái hấp thu ở ống thận sẽ đi theo nước tiểu ra ngoài.

- Mất nước làm áp suất thẩm thấu tăng cao kích thích lên vùng dưới đồi gây ra cảm giác khát.

Câu 5. Tại sao nói vùng dưới đồi, tuyến yên, tuyến thượng thận và thận có vai trò quan trọng trong cơ chế điều hòa áp suất thẩm thấu của cơ thể?

Vì:

- Vùng dưới đồi: trung tâm cảm nhận sự thay đổi áp suất thẩm thấu của có thể đồng thời kích thích hoạt động tiết hoocmôn của tuyến yên.

- Tuyến yên: thông qua việc tăng hoặc giảm tiết ADH, sẽ kích thích ống thận tăng hoặc giảm tái hấp thu nước, làm cân bằng áp suất thẩm thấu trong cơ thể.

- Tuyến thượng thận: thông qua tăng hoặc giảm tiết aldosteron dẫn đến tăng hoặc giảm tái hấp thu Na+ ở các ống thận làm cân bằng áp suất thẩm thấu trong cơ thể.

- Thận có vai trò lọc, bài tiết nước tiểu.

Câu 6. Do gan bị bệnh nên nồng độ prôtêin huyết tương giảm, điều này có ảnh hưởng đến lượng nước tiểu đầu không? Tại sao?

Nồng độ prôtêin huyết tương giảm làm giảm áp suất keo dẫn đến tăng áp lực lọc ở cầu thận, kết quả là lượng nước tiểu đầu tăng.

Câu 7. Tại sao những người bị tiểu đường lại thường tiểu tiện nhiều?

- Nồng độ đường trong máu cao tạo ra áp lực thẩm thấu cao kéo nước từ dịch mô vào máu làm tăng thể tích máu dẫn đến tăng áp lực lọc máu ở cầu thận.

- Nồng độ đường cao trong máu tạo ra áp lực thẩm thấu cao kéo nước từ dịch mô vào ống thận làm tăng lượng nước tiểu.

Câu 8. Tại sao những người bị bệnh đái tháo đường có pH máu thấp hơn người bình thường?

Khi bị bệnh đái tháo đường glucôzơ vào tế bào ít. Do nguồn cơ chất cung cấp năng lượng chủ yếu là glucôzơ không đáp ứng đủ, nên các tế bào cơ thể sử dụng nguồn cơ chất là lipit. Tăng phân giải lipit tạo ra nhiều axit hữu cơ dẫn đến pH máu giảm.

Câu 9. Một số động vật như chó mèo có ít tuyến mồ hôi. Bằng cách nào chúng điều hòa thân nhiệt khi trời nóng.

- Tăng mất nhiệt: há miệng, thè lưỡi, thở nhanh nên hơi nước mang theo nhiệt từ phổi ra ngoài qua hô hấp.

- Nhiệt độ trong máu tăng lên: kích thích trung khu chống nóng giảm quá trình ôxi hóa các chất trong tế bào → tăng mất nhiệt.

Câu 10. Khi trời nóng, da bạn thường ửng hồng, bạn uống nhiều nước hơn nhưng khi trời lạnh da bạn thường tái đi và bạn ăn nhiều hơn. Hãy giải thích tại sao?

- Khi trời nóng, lượng máu tới dưới da để tỏa nhiệt nhiều hơn nên da hồng hơn nhưng ngược lại khi trời lạnh, máu tới da ít hơn nên da hơi tái.

- Khi trời nóng ta uống nhiều nước vì quá trình thoát mồ hôi qua da tăng lên, ta bị mất nước nhiều.

- Khi trời lạnh ta ăn nhiều vì cơ thể tiêu tốn nhiều năng lượng hơn để duy trì thân nhiệt.

Câu 11. Một người bị nôn mửa, không ăn và uống trong vòng 24 giờ, dạ dày bị mất nhiều dịch axit. Cơ thể người bệnh có những đáp ứng nào để điều chỉnh cân bằng nội môi giữ pH máu và huyết áp ổn định?

- Cơ thể bị mất nước dẫn tới huyết áp giảm nên tăng cường tái hấp thu nước ở thận.

- Tăng cảm giác khát dẫn tới uống nước bù để duy trì huyết áp.

- Do mất nhiều dịch vị có tính axit → pH máu giảm kích thích trung khu hô hấp thay đổi nhịp hô hấp điều chỉnh CO2 và pH máu.

- Dịch gian bào và nước từ các tế bào đi vào máu.

- Co các mạch ngoại vi.

Câu 12. Khi lao động quá mức, pH của máu hơi ngả về tính axit. Giải thích? Nếu để tình trạng lao động quá sức này kéo dài thì hậu quả sẽ thế nào?

- Lao động quá mức làm hô hấp tế bào tăng lên để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho cơ thể → lượng CO2 nhiều hơn bình thường sẽ hòa tan trong huyết tương tạo thành H2CO3, → phân li thành H+, HCO3- → nồng độ H+ trong máu tăng → làm pH máu giảm thấp.

- Hậu quả: nếu lao động kéo dài, pH máu giảm thấp, không kịp phục hồi pH trở lại thì sẽ dẫn đến ngất xỉu, hôn mê và có thể tử vong.

Câu 13. Một người không bị bệnh tiểu đường, không ăn uống gì để đi xét nghiệm máu. Khi xét nghiệm máu, bác sĩ thông báo nồng độ glucagôn cao, nồng độ insulin thấp. Bệnh nhân đó rất lo lắng. Nếu em là bác sĩ, em sẽ giải thích cho bệnh nhân đó như thế nào?

- Bệnh nhân đó không nên lo lắng vì:

+ Tham gia điều hòa lượng glucôzơ trong máu có sự tham gia của 2 hoocmôn ở tuyến tụy là: insulin và glucagôn.

+ Khi nồng độ glucôzơ trong máu cao thì tuyến tụy tiết insulin chuyển hóa glucôzơ thành glicôgen → giảm đường huyết.

+ Khi nồng độ glucôzơ trong máu thấp thì tuyến tụy tiết glucagôn chuyển hóa glicôgen thành glucôzơ → tăng đường huyết.

+ Do bệnh nhân không ăn uống nên hàm lượng glucôzơ trong máu giảm. Hàm lượng glucôzơ trong máu sẽ được gan bù lại nhờ chuyển glicôgen dự trữ thành glucôzơ. Vì thế khi xét nghiệm máu thì cho kết quả là nồng độ glucagôn cao, nồng độ insulin thấp.

Câu 14. Khi tiêu chảy kéo dài, cơ thể mất nhiều nước, huyết áp giảm. Trong trường hợp này cơ thể phản ứng thế nào? Trình bày cơ chế phát sinh phản ứng đó.

- Phản ứng của cơ thể:

+ Tăng cường khát nước dẫn đến uống thêm nước bù lại lượng nước bị mất → duy trì huyết áp.

+ Tái hấp thu nước ở ống thận để giảm lượng nước tiểu.

- Cơ chế:

+ Mất nước dẫn đến áp suất thẩm thấu tăng kích thích vùng dưới đồi và tuyến yên tiết ADH → kích thích ống lượn xa và ống góp tái hấp thu nước → giảm lượng nước tiểu

+ Mất nước làm áp suất thẩm thấu tăng → vùng dưới đồi → cảm giác khát → tìm nước uống.

Câu 15. Bệnh cao huyết áp (160/100) ở một người đàn ông là do nồng độ aldosteron cao. Hãy cho biết, nồng độ aldosteron cao trong máu của người này còn gây ra những thay đổi nào đối với pH máu, nồng độ K+ trong máu, thể tích dịch ngoại bào và tiết renin? Giải thích.

- Nồng độ aldosteron cao làm cho pH máu tăng, nồng độ K+ giảm, thể tích dịch ngoại bào tăng và không tiết renin.

- Giải thích:

+ Aldosteron kích thích ống thận tăng tái hấp thu Na+, tăng thải K+ và H+ vào nước tiểu. Tăng Na+ và tăng thải H+ làm pH máu tăng, tăng thải K+ vào nước tiểu làm K+ trong máu giảm.

+ Aldosteron kích thích ống thận tăng tái hấp thu Na+ kèm theo nước, dẫn đến tăng huyết áp và tăng thể tích dịch ngoại bào.

+ Huyết áp cao không gây tiết renin. Huyết áp giảm gây tăng renin, angiotensin II, Angiotensin II gây tăng aldosteron kích thích ống thận tăng tái hấp thu Na+ và nước đồng thời gây co mạch làm giảm lượng máu qua thận, giảm lọc ở cầu thận. Ngoài ra phản ứng đông máu làm giảm mất máu.

Câu 16. Hãy nêu những điểm khác nhau về thành phần cấu tạo của 2 cơ chế duy trì huyết áp và duy trì nồng độ glucôzơ.



Nội dung

Cơ chế duy trì huyết áp

Cơ chế duy trì nồng độ glucôzơ

Bộ phận tiếp nhận kích thích

Thụ thể áp lực

Thụ cảm áp suất thẩm thấu

Bộ phận điều khiển

Hành não

Tế bào tụy

Bộ phận đáp ứng kích thích

Tim, mạch máu,

Gan

- Đáp án câu hỏi trắc nghiệm:

1

2

3

4

5

6

7

8

C

A

D

D

C

D

B

C

IV. Phương pháp sử dụng câu hỏi

- Giáo viên chuyển tải hệ thống câu hỏi đến từng học sinh. Yêu cầu học sinh tự đọc, tự nghiên cứu để xây dựng đề cương trả lời các câu hỏi đó.

- Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, các học sinh sẽ thảo luận theo từng nhóm nhóm về các câu hỏi trên.

- Sau đó, giáo viên tập hợp các câu hỏi mà học sinh đã trả lời được và các câu hỏi mà có nhiều học sinh chưa làm được.

+ Với các câu hỏi học sinh đã làm được, giáo viên có thể kiểm tra xác suất một vài học sinh.

+ Với các câu hỏi học sinh chưa làm được, giáo viên có thể hướng dẫn để các em có thể lĩnh hội được kiến thức đó.

V. Kết quả thực hiện

- Hệ thống câu hỏi phân loại mức độ nhận thức giúp học sinh hiểu bản chất vấn đề và nắm bài tốt hơn. Sau đó, học sinh sẽ biết cách vận dụng vào làm các bài kiểm tra. Kết quả kiểm tra đánh giá như sau:

+ Mỗi lớp có 35 học sinh.

+ Khi kiểm tra, số học sinh đạt các điểm như sau:

Nội dung

Điểm 9 – 10

Điểm 7 - 8

Điểm 5 - 6

Dưới điểm 5

Số bài

%

Số bài

%

Số bài

%

Số bài

%

Lớp 10 sinh

12

34,3

18

51,4

4

11,4

1

2,9

Lớp 11 sinh

16

45,7

16

45,7

3

8,6

0

0

PHẦN C. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ

I. Kết luận


Sau khi xây dựng hệ thống phân loại các câu hỏi của chuyên đề cân bằng nội môi, tôi áp dụng vào giảng dạy ở lớp chuyên sinh, từ đó tôi rút ra một số kết luận sau :

- Hệ thống câu hỏi giúp học sinh hiểu bài, chủ động được kiến thức mình cần đạt tới.

- Giúp giáo viên tập trung vào kiểm tra, đánh giá, phân loại học sinh.

- Tạo cho học sinh sự hứng thú, sáng tạo.

- Rèn luyện cho học sinh về kĩ năng trình bày, phân tích, tổng hợp.

- Phạm vi vận dụng hệ thống câu hỏi: đối với học sinh giỏi thì cần làm được các câu hỏi ở cả 3 mức độ ; đối với học sinh khá thì yêu cầu ở câu hỏi mức độ thông hiểu ; đối với học sinh trung bình thì yêu cầu ở câu hỏi mức độ nhận biết.

II. Đề nghị

Khi sử dụng hệ thống câu hỏi về cân bằng nội môi, tôi có một số đề nghị sau :

- Đối với học sinh, muốn làm được hệ thống câu hỏi trên cần học tốt, đọc rộng, nắm chắc kiến thức của các phần trước, đặc biệt là hệ tuần hoàn.

- Đối với giáo viên, cần nắm thật vững kiến thức của sinh lí động vật, thấy được tính logic và hệ thống của bài cân bằng nội môi với các hệ cơ quan khác, đặc biệt là sinh lí máu và nội tiết.

- Về thời gian: cần bố trí thêm thời gian để giảng dạy bài này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thành Đạt - chủ biên, Sách giáo khoa sinh học 11 - cơ bản, NXB giáo dục.

2. Ngô Văn Hưng – chủ biên, Tài liệu chuẩn kiến thức kĩ năng lớp 12, NXB giáo dục.

3. Lê Đình Tuấn – chủ biên, Tài liệu chuyên sinh học trung học phổ thông – Sinh lí động vật, Nguyễn Quang Vinh – chủ biên, Bồi dưỡng học sinh giỏi sinh học trung học phổ thông – Sinh lí động vật, NXB giáo dục.

4. Nguyễn Quang Vinh – chủ biên, Bồi dưỡng học sinh giỏi sinh học trung học phổ thông – Bài tập sinh lí động vật, NXB giáo dục.

5. Nguyễn Quang Vinh – chủ biên, Tài liệu chuyên sinh học trung học phổ thông – Bài tập sinh lí động vật, NXB giáo dục .

6. Vũ Văn Vụ - Tổng chủ biên, Sách giáo khoa sinh học 11 - nâng cao, NXB giáo dục.

7. Đề thi HSGQG, DHĐBBB, Olimpic một số năm.

8. Kỉ yếu hội thảo năm 2011

Tải tài liệu gốc tại: Đây

Số lượt đọc:  88074  -  Cập nhật lần cuối:  03/04/2015 08:47:56 AM
Liên kết Website








Thống kê truy cập
Số lượt truy cập: 57.975
Tổng số thành viên: 10
Số người trực tuyến: 469